Đầu năm thăm các trang trại nuôi heo

09/03/2019 06:08

Đầu năm, chúng tôi có dịp về thăm các trang trại nuôi heo. Thời điểm này giá heo trên thị trường tăng trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng, giúp giải tỏa tâm lý người chăn nuôi. Với mức giá như hiện nay, các trang trại và nông dân nuôi heo có lãi nhưng nhiều trang trại chưa dám tăng đàn, mở rộng quy mô để tránh rủi ro.

Không khó để tới được trang trại nuôi heo của gia đình ông Vũ Mạnh Khải ở xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) bởi con đường dẫn vào trang trại đủ rộng để cho ô tô tải ra vào. Hiện tại, trang trại của ông có tổng cộng 24ha, trong đó có 18ha cao su và 4ha cà phê, 2ha cây ăn trái cùng các cây dược liệu, ao cá và chuồng trại. Ngoài trồng trọt, trang trại của ông còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó có 30 con bò, trên 100 con heo giống địa phương và khoảng 700 con gà sao.

Năm 2008, ông Khải mang giống heo ky đực và heo rừng cái từ tỉnh Quảng Nam về nuôi thử nghiệm. Từ heo rừng, lai với heo ky đã cho ra giống heo sọc dưa tạp ăn, dễ nuôi, hầu như không dịch bệnh, thịt thơm ngon. Sau đó, gia đình ông mạnh dạn mua thêm heo ky, heo rừng để nhân giống và quy hoạch một khu riêng trong vườn theo kiểu tự nhiên để phát triển đàn heo sọc dưa.

Nói về kinh nghiệm nuôi heo sọc dưa, ông Khải cho biết, giống heo này rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn là chuối, lá mì, rau lang, cây, cỏ tự nhiên trong vườn, nên chi phí đầu tư rất thấp. Heo sọc dưa thịt ít mỡ, nhiều nạc, da mỏng và giòn, thơm ngon đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đàn heo đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho gia đình trong suốt 10 năm qua.

Về Ngọc Hồi, chúng tôi thăm trang trại heo của ông Nguyễn Văn Thành ở xã Đăk Xú. Sau khi ký hợp đồng chăn nuôi với Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam (chi nhánh Bình Định), trên diện tích 5ha, năm 2015, ông Thành tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng trang trại nuôi heo an toàn sinh học. Toàn bộ công trình được xây dựng theo bản vẽ thiết kế của Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam, gồm 2 bể biogas, 1 nhà để phân, 1 khu chuồng cách ly, 1 khu chuồng bầu 580 con, 3 khu chuồng heo đẻ mỗi chuồng 60 con, xung quanh trang trại trồng cây và đào ao thả cá.

Trang trại nuôi heo của ông Vũ Mạnh Khải. Ảnh: L.S

 

Điều đặc biệt là công tác vệ sinh phòng dịch, khử trùng ở trang trại heo của ông Nguyễn Văn Thành rất được chú trọng và được triển khai theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và được tuân thủ tuyệt đối. Mỗi ngày, bất kể mùa đông hay mùa hè, gia đình ông Thành cùng 15 công nhân đều phải… tắm trước khi vào “thăm” heo. Trong 1 ngày, họ cho heo ăn 2 lần, quét dọn vệ sinh, điều chỉnh hệ thống làm mát (giàn bơm phun nước), điều chỉnh ánh sáng, giữ ấm mùa đông, quan sát phát hiện biểu hiện của heo để có chế độ chăm sóc phù hợp. Các kỹ năng này đều được công ty này tập huấn ngắn ngày và được công nhân áp dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư chăn nuôi “nằm vùng” tại trang trại.

Cuối năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Thành đã phải giảm đàn để bớt lỗ. Hiện trang trại ông Thành còn 20 con heo nái và 150 con heo thịt, trong số heo thịt có gần một nửa đến kỳ xuất chuồng. Theo tính toán của gia đình ông Thành, với mức giá 50.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, gia đình ông thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con, số lãi này bù đắp phần nào thua lỗ trong thời gian qua. Theo ông Thành giá heo hơi tăng cao là tín hiệu tốt, nhưng trong tình hình hiện nay tỷ lệ rủi ro vẫn còn nên ông chưa mở rộng quy mô nuôi.

Nhắc đến câu chuyện người nông dân ở xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum nhờ chăn nuôi heo mà phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước làm giàu, đổi đời nuôi con ăn học thành người, góp phần thay đổi “bộ mặt” kinh tế nông thôn tại địa phương không thể không nhắc đến câu chuyện của gia đình Đinh Văn Công.

Ít ai có thể ngờ rằng, cái thuở ban đầu vợ chồng ông Công từ Thanh Hóa dắt díu nhau xây dựng lập nghiệp tại nơi đất đồi trống trải ở xã Đăk Năng, điện nước không có, chăn nuôi tạm bợ với chỉ vài ba con heo nái. Vậy mà bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn, gia đình ông Công đã vươn lên có cuộc sống khá giả chính từ chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại.

Giờ đây, ông Công phát triển mạnh đàn heo theo mô hình trang trại và gầy dựng lên cơ ngơi trang trại tổng hợp rộng lớn, hàng năm thu lợi nhuận lên đến gần tỷ đồng. Chẳng những thế, những người con của vợ chồng ông đều ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định. Trong đó có người con quyết tâm “nối nghiệp” cha mẹ tự ra lập trang trại riêng bởi muốn gắn bó với nghề nuôi heo.

Con heo đã và đang là vật nuôi giúp không ít hộ nông dân đổi đời, trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến khích phát triển chăn nuôi heo theo các chuỗi liên kết, bao gồm chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, giảm giá thành trong sản xuất thông qua các giải pháp lựa chọn các giống vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất theo quy trình, giảm các khâu trung gian trong phân phối thức ăn chăn nuôi... Điều cần nhất là tập trung làm tốt khâu kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng; những hộ tái đàn nên chọn mua heo giống có nguồn gốc rõ ràng, heo con mới mua về phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm và nhốt cách ly để theo dõi sức khoẻ, sau đó mới nhập đàn vào nuôi.             

Dương Lê

Chuyên mục khác