Đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị Nam cầu Đăk Bla: ​Cần một “cú hích” mạnh mẽ

29/09/2017 17:59

​Được triển khai đấu giá quyền sử dụng đất từ tháng 12/2014, với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, vị trí đẹp, Dự án Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla dần thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, vẫn cần có những “cú hích” mạnh mẽ...

Kết quả chưa như mong muốn

Trực tiếp dẫn chúng tôi đi khảo sát tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla (thành phố Kon Tum), bà Đặng Thị Trang - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chia sẻ rằng, trong nửa tháng đầu năm 2017, lượng khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị đã tăng đáng kể so với 6 tháng cuối năm 2016.

Lượng khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla đang ngày càng tăng. Ảnh: T.H

 

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự cải thiện tình hình này, như giá cả cạnh tranh, cơ chế thanh toán linh hoạt, ưu đãi cho khách hàng..., nhưng trong đó, có lẽ quan trọng nhất là diện mạo Khu đô thị đã hình thành về cơ bản, khách hàng đã cảm thấy yên tâm hơn khi quyết định đầu tư vào đây - bà  Đặng Thị Trang nhận định.

Trên thực tế, đến nay, các hạng mục công trình thuộc dự án ở cả 3 khu A, B, C đều đang được triển khai xây dựng đồng bộ, tuân thủ đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án được phê duyệt, gồm các hạng mục: san nền đến cos 521 (lu lèn đầm chặt K90), đường giao thông (bê tông nhựa), vỉa hè cây xanh; hệ thống cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc; hệ thống cấp điện (điện chiếu sáng, đường dây hạ thế và trạm biến áp)...

Khâu đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị được tiến hành song song với đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 4/9/2014 của UBND tỉnh, tổng cộng có 616 lô, thửa đất (tổng diện tích 24,8ha) tại Khu đô thị được đưa ra đấu giá với tổng giá khởi điểm là 722,898 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, tính đến ngày 25/9, đã đấu giá thành công 376 thửa với tổng trị giá 389,9 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm 7,7 tỷ đồng (đạt 61%); trong đó, đất ở 364 thửa (297,4 tỷ đồng), đất dịch vụ thương mại 12 thửa (92,5 tỷ đồng).

Dự kiến từ nay đến hết năm 2017, Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh sẽ thực hiện khoảng 8 đợt đấu giá với gần 100 lô, thửa đất, dự kiến thu về khoảng 80 tỷ đồng; tiếp tục thu tiền trúng đấu giá từ năm 2016 trở về trước là 120 tỷ đồng...

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ đấu giá như hiện nay vẫn tương đối chậm. Nhiều khách hàng vẫn mới chỉ đến tìm hiểu, xem qua, chưa có ý định tham gia đấu giá, bằng chứng là không ít hồ sơ đấu giá bảo lưu và không ít khách hàng trúng đấu giá với giá khởi điểm.

Điều làm bà Trang lo lắng là hiện vẫn còn tới 240 thửa đất chờ đấu giá; trong khi đó, thời hạn hoàn tất đấu giá toàn bộ 616 lô, thửa đất ở Khu đô thị đã cận kề (giữa năm 2018).

Cần những “cú hích” mạnh mẽ hơn

Là người gắn bó với dự án Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla ngay từ những đợt đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên, ông Lê Chí Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh hiểu rằng có không ít “rào cản” cần được giải quyết tốt, nếu muốn Khu đô thị thực sự “tỏa sáng”.

Theo ông Thanh, Khu đô thị vừa là cửa ngõ, vừa là một trong những khu vực có giá trị đặc biệt về vị trí, cảnh quan, văn hóa đặc sắc của đô thị Kon Tum hiện tại cũng như trong tương lai. Việc quy hoạch xây dựng Khu đô thị không chỉ đáp ứng định hướng phát triển thành phố Kon Tum mà còn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, có những vấn đề tác động đến tâm lý khách hàng, như hiện mới thực hiện việc đo đạc chi tiết khu C (12ha), còn khu A và B, do hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên chưa thể triển khai được. Hay công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện có 203 lô, thửa đất trúng đấu giá từ năm 2014 và năm 2015, đã thông báo thu tiền đến đợt 7, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chưa được thực hiện do chưa có mặt bằng để giao đất.

Từ tháng 7/2017, chúng tôi đã tổ chức việc đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản mới (rút ngắn phiên đấu giá từ 35 ngày/phiên xuống còn 20 ngày/phiên). Nhiệm vụ đặt ra hiện nay với chúng tôi là phải có những giải pháp “làm nóng” thị trường - ông Thanh cho hay.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bàn giao mặt bằng là ''cú hích'' quan trọng để Khu đô thị tăng sức hút đối với khách hàng. Ảnh: T.H

 

Muốn như vậy, trước hết, Ban quản lý dự án 98 cần chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành hạ tầng khu A&B, tiến hành bàn giao kịp thời quỹ đất cho Trung tâm tổ chức đo đạc cắm mốc, xác định diện tích từng lô bàn giao mặt bằng cho khách hàng trúng đấu giá. Đây chính là “cú hích” quan trọng nhất để Khu đô thị tăng sức hút đối với khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều khách hàng trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu C, vấn đề cần thực hiện trước nhất hiện nay là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đã đủ điều kiện.

“Qua tìm hiểu được biết, chúng tôi đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, chúng tôi mong muốn có được nó, bởi chỉ có như vậy mới chứng minh rằng đó là tài sản của mình và mình có quyền sử dụng. Chứ như bây giờ thì vẫn còn mờ mịt quá, chỉ biết chung chung là đất ở khu nọ, khu kia chứ đã biết cụ thể ở đâu đâu”- anh T, một khách hàng bày tỏ.

Và quan trọng nhất, theo bà Đặng Thị Trang, cần xác định lại giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay, giá đất ở Khu đô thị phía nam cầu Đăk Bla chưa thể đưa vào bảng giá đất chung của toàn tỉnh để tính hệ số điều chỉnh, do dự án này thuộc loại đất dự án đặc biệt (vừa xây dựng hạ tầng vừa đấu giá quyền sử dụng đất).

Thực tế cho thấy, thị trường đất đai tại Khu đô thị không có biến động lớn, sức mua vừa phải, nên việc điều chỉnh tăng hay giảm giá khởi điểm sẽ có ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của Khu đô thị phía nam cầu Đăk La. Do vậy, Hội đồng Đấu giá đã đề nghị UBND tỉnh (Báo cáo số 65/HĐ ĐGQSDĐ ngày 15/9/2017) giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan để thống nhất về giá khởi điểm cho những thửa đất còn lại của Khu đô thị - Giám đốc Trang cho biết.

Thành Hưng

Chuyên mục khác