29/12/2017 07:58
Loại bớt doanh nghiệp thiếu năng lực
Từ năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm tạo dựng một “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường ở lĩnh vực nhạy cảm, vốn có nhiều điều tiếng, tỉnh Kon Tum đã chính thức thực hiện hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo quy định tại Luật Khoáng sản 2010.
Số liệu thống kê của Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, đến nay, sau 4 năm áp dụng (2014-2017), tổng cộng đã có 58 điểm mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá quyền khai thác, trong đó có 47 điểm mỏ cát, sỏi; 9 mỏ đá và 2 mỏ sét.
|
Để tiến hành thành công từng phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thường trực đấu giá của tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị kỹ mọi điều kiện, thủ tục liên quan theo luật định, nhằm bảo đảm thời gian đấu giá nhanh, đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành. Thành viên Hội đồng Đấu giá là đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi có mỏ đấu giá tham gia.
Theo ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh, chính sự minh bạch trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã đặt dấu chấm hết cho cơ chế “xin -cho”, đồng thời loại bớt những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thiếu năng lực.
Trước đây, các đơn vị, doanh nghiệp khi phát hiện có mỏ, điểm mỏ trong quy hoạch, chưa được cấp cho ai, dựa trên cơ sở giấy đăng ký kinh doanh phù hợp và những thông tin chứng minh năng lực là có thể đề nghị được thực hiện các trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản. Với quy trình đó, thực tế đã có không ít đơn vị, doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ, điểm mỏ, trong khi có những đơn vị thực chất sản xuất lại thiếu vùng nguyên liệu khai thác.
Cũng từ cơ chế này đã gây ra tình trạng nhiều mỏ được cấp nhưng không triển khai, do năng lực chủ mỏ hạn chế; chuyển nhượng ngầm hoặc khai thác chỉ để xuất bán nguyên liệu thô gây lãng phí tài nguyên... Hơn nữa, cơ chế này cũng đã khiến hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra một cách ồ ạt, nhưng ngân sách nhà nước thu được không đáng kể, người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng.
Khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện mới được tham gia đấu giá, tức là, anh muốn khai thác khoáng sản, phải chứng minh được năng lực tài chính (qua đấu giá); kinh nghiệm khai thác và cam kết công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường... Đồng nghĩa với việc không còn "đất" cho những anh "tay không bắt giặc" hoặc làm ăn chụp giật- ông Phạm Đức Hạnh nhìn nhận.
Góp phần giải quyết khiếu kiện
Dưới góc nhìn nghề nghiệp, ông Trần Công Hậu - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, việc cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm khiếu kiện liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo ông Trần Công Hậu, cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, khi tồn tại cơ chế "xin - cho", hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ thế này, ở đoạn suối qua thôn A, xã B có khả năng khai thác cát phục vụ nhu cầu xây dựng, người dân tại chỗ muốn xin được khai thác, bỗng dưng có một tổ chức, cá nhân ở đâu đó, vì "xin" được phép nên "nhảy" vào "chiếm" mất, thế là xảy ra chuyện ngay, không khiếu kiện về gây sạt lở đất sản xuất, hư hỏng đường sá thì cũng ô nhiễm môi trường...
Hậu quả là ngành chức năng, chính quyền địa phương mất rất nhiều công sức, thời gian để giải quyết khiếu kiện. Đó là chưa kể thời gian giải quyết những khiếu kiện, kiến nghị, phản ánh khác, như khai thác sai phép, ngoài phép, sai phương pháp..., mà một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu thông tin rõ ràng về khu vực khai thác.
Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu nếu nói rằng, khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sự minh bạch, rõ ràng, công khai được đặt lên hàng đầu. Bởi khi đó, thông tin tài sản (điểm mỏ) được đem đấu giá và năng lực của người tham gia đấu giá sẽ được công khai, sẽ không có chuyện nhập nhằng về các thông số cơ bản, như diện tích mỏ, trữ lượng, thời hạn, công nghệ khai thác, người được quyền khai thác...
Bên cạnh đó, tuy bản chất đấu giá là ai trả giá cao nhất thì sẽ được lựa chọn, nhưng yếu tố năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác cũng được xem xét đầu tiên để lựa chọn tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá. Như vậy, ngay từ đầu người dân đã có thể tin tưởng về khả năng tạo nguồn xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng cho khu vực diễn ra hoạt động khai khoáng.
Mặt khác, sau khi trúng đấu giá, các tổ chức, cá nhân vẫn phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Quá trình tiến hành khai thác khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng an toàn lao động, khai thác đúng phép, thực hiện nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ, phục hồi môi trường sau khai thác...
Từng bị kéo vào vòng khiếu kiện hàng năm trời, nên ông Huỳnh Ngọc Tiền (chủ một doanh nghiệp ở huyện Đăk Tô) hết sức phấn khởi, khi mới đây, 2 điểm mỏ còn lại (trừ điểm mỏ của doanh nghiệp ông đã được cấp phép khai thác) là điểm mỏ cát số 4 và số 5 tại thôn 6, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đã được đưa ra đấu giá quyền khai thác, và phần thắng thuộc về 2 hộ gia đình tại địa phương.
"Việc đưa ra đấu giá quyền khai thác 2 điểm mỏ này sẽ làm tất cả mọi chuyện trở nên minh bạch, công khai, đặc biệt là các thông số của mỏ. Với yêu cầu niêm yết cụ thể, người dân sẽ dễ dàng giám sát hoạt động khai thác hơn, khắc phục được tình trạng mù mờ về thông tin, dẫn đến suy đoán sai lệch"- ông Huỳnh Ngọc Tiền cho hay.
Hồng Lam