01/01/2023 06:07
Kinh tế phục hồi với nhiều điểm sáng
Nhìn tổng thể, năm 2022, tình hình kinh tế của tỉnh có sự phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17.627 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở những tháng đầu năm 2022, thiên tai, giá cả nhiều mặt hàng nguyên, vật liệu biến động thì đây vẫn kết quả đáng mừng.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt và vượt kế hoạch và được thể hiện trên từng lĩnh vực.
Sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng nhất phải kể đến là lĩnh vực du lịch. Ước tính năm 2022, tỉnh ta thu hút khoảng 1,1 triệu lượt khách, đạt 122,22% kế hoạch, tổng doanh thu ước đạt 265 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
|
|
Còn nhớ, tại Kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII (từ ngày 7-9/12/2021), khi đặt mục tiêu thu hút khoảng 900.000 lượt khách du lịch đến tỉnh trong năm 2022, nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn, vì tại thời điểm đó dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, du lịch gần như đóng băng. Nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh ta nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đề ra những giải pháp tích cực và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, qua đó từng bước đưa du lịch Kon Tum phục hồi và bứt phá.
Sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh; cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp- xây dựng lên 9.361 tỷ đồng (giá hiện hành), đạt 106,17% kế hoạch và bằng 123,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động kinh doanh- dịch vụ cũng đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 khoảng 320,8 triệu USD, đạt 118,81% kế hoạch và tăng 10,43% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp dù phải chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, giá vật tư đầu vào tại một số thời điểm tăng cao, nhưng vẫn duy trì ổn định với tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành 5.907 tỷ đồng (giá hiện hành). Diện tích nhiều loại cây trồng chủ lực được mở rộng, tiêu biểu như cây mắc ca trồng mới được 1.143,5ha, đạt 114,4% kế hoạch; cây ăn quả trồng mới khoảng 3.000ha, đạt 100% kế hoạch, sâm Ngọc Linh trồng mới ước khoảng 509ha, đạt 101,8% kế hoạch. Toàn tỉnh đã trồng mới được 5.192ha rừng, đạt 115,4% kế hoạch; dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư. Vì vậy, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 23.191 tỷ đồng thì có 17.150 tỷ đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tăng 15,49% so với cùng kỳ. Một số nhà đầu tư có tiềm lực đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Sun Group, Nutifood, Hùng Nhơn, Công ty Cổ phần Him Lam.
Sự phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 cho thấy tinh thần quyết tâm, cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh.
Linh hoạt các giải pháp để thực hiện mục tiêu mới
Năm 2023, tỉnh ta tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao đối với sự phát triển kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 10% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 27.000 tỷ đồng trở lên; giá trị xuất khẩu 290 triệu USD, thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh. Toàn tỉnh cũng thực hiện trồng mới được 1.100ha cây ăn quả, 1.000ha mắc ca, 500 ha sâm Ngọc Linh, trên 4.000ha rừng, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 360 doanh nghiệp.
|
Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2023, các giải pháp trọng tâm được tỉnh đề ra là huy động, khai thác các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách; tăng cường quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển nhà ở, đô thị, kế hoạch sử dụng đất.
Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển rừng và các loại cây trồng chủ lực theo hướng bền vững.
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, giải pháp mà tỉnh đề ra là tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở tại các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế.
|
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch gắn liền với việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Với mục tiêu phấn đấu nâng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 5 bậc so với năm 2022, giải pháp tỉnh đề ra là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các loại hình kinh tế tập thể.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế năm 2022 cho thấy nỗ lực và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự quản lý, điều hành chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh; sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở, động lực để tỉnh ta phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và gặt hái thành công trong năm 2023.
THÙY HƯƠNG