Dấu ấn tín dụng chính sách

09/08/2019 13:01

5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực…

Một điều dễ nhận thấy là nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40 có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Minh chứng là công tác phối hợp giữa Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ; chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn càng ngày được nâng cao; công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn. 

Được biết, đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ cho vay ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 2.468,7 tỷ đồng với 63.775 hộ còn dư nợ. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, từ cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập đến cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; cho vay nước sạch nông thôn và môi trường; cho vay mua nhà, xây dựng nhà cho người nghèo đô thị...

Việc giao dịch được tiến hành hết sức thuận lợi bởi mạng lưới 102 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã, cũng như 1.674 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách ở một tổ tiết kiệm và vay vốn. Ảnh: DL

 

Ông Nguyễn Duy Điệp (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết: Tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất rau theo mô hình VietGap với diện tích 3.000m2. Việc tiêu thụ rau ban đầu có khó khăn, nhưng sau đó được chính quyền hỗ trợ, được các trường học bán trú của thành phố đăng ký mua hàng nên đầu ra ổn định.

Ông Điệp cho rằng, việc hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đối với người dân là rất kịp thời, từ đó giúp họ chủ động hơn trong việc lên kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tôi mong rằng, bên cạnh việc nâng mức vay và thời gian vay, Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nên mở rộng đối tượng vay ưu đãi của một số chương trình, để nhiều hộ dân có nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững- ông Điệp kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Luận- Chủ tịch UBND xã Chư Hreng (thành phố Kon Tum) cho rằng, việc thực hiện giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn dễ dàng mà còn là cơ hội để chính quyền cơ sở tiếp xúc nhiều hơn với người dân. Và qua đó, cấp ủy và chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa bàn.

Ông Lê Danh Thứ– Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận thêm vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 67,826 tỷ đồng (tăng 684,8% so với cuối năm 2014), nâng nguồn vốn ủy thác của địa phương lên 66,848 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 51,848 tỷ đồng, ngân sách của các huyện, thành phố ủy thác 15 tỷ đồng (thành phố Kon Tum 2 tỷ đồng; Đăk Hà 1,85 tỷ đồng; Sa Thầy 1,8 tỷ đồng; Đăk Tô 1,6 tỷ đồng; Đăk Glei 1,5 tỷ đồng; Kon Plông 1,45 tỷ đồng; Kon Rẫy 1,4 tỷ đồng; Ngọc Hồi 1,4 tỷ đồng…). Riêng nguồn vốn ngân sách địa phương đã giúp cho 820 lượt hộ nghèo được vay vốn; giúp 42 hộ tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; giúp 24 lượt hộ được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; tạo việc làm cho 345 lao động.

Dù quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang chưa nhiều, nhưng cũng cho thấy chính quyền địa phương đã có nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn- ông Lê Danh Thứ nhận xét.         

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn có 227 thành viên. Trong đó, cấp tỉnh có 12 thành viên; cấp huyện, thành phố có 215 thành viên. Riêng cấp xã có 102 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. 

Dương Lê

Chuyên mục khác