Dấu ấn thu hút đầu tư

24/09/2020 06:01

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, chủ động cùng với thực hiện linh hoạt những chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư nên nhiệm kỳ 2015-2020 để lại dấu ấn đậm nét trong thu hút đầu tư. Đây là tiền đề để tỉnh ta tiếp bước trong nhiệm kỳ tới nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Nhằm tạo điều kiện trong thực hiện thu hút đầu tư, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; chương trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn... Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh ta tích cực triển khai các biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt giữa tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), tỉnh cũng tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, một số nước Châu Á và Châu Âu thông qua làm việc, tiếp xúc với từng đối tác cụ thể nhằm tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh, tạo cơ hội thu hút đầu tư, viện trợ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến các nước trong khu vực, gặp gỡ, trao đổi và mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm Nông trường Măng Đen thuộc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. Ảnh: T.V.P

 

Chính vì thế, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể; số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư cho 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 20.610,7 tỷ đồng. Điều đáng mừng là tỉnh ta đã kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đến đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn FLC, Vingroup, TH... Ngoài ra, tính đến tháng 5/2020, tỉnh ta đã có 376 dự án ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp được cấp phép đầu tư, trong đó có 340 dự án đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 62.915 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 5 năm 2016-2020, tỉnh ta đã huy động và bố trí khoảng 7.681 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và Ngọc Hồi tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Tại thành phố Kon Tum - vùng kinh tế động lực trung tâm của tỉnh, ngoài sự quan tâm của tỉnh, thành phố Kon Tum cũng chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị, thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, môi trường minh bạch, qua đó tạo ra sức hấp dẫn mời gọi nhà đầu tư lớn triển khai nhiều dự án trên địa bàn. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới, diện mạo đô thị nhiều khởi sắc càng làm tăng thêm sức hút với các nhà đầu tư. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều các dự án có quy mô tầm cỡ với tổng mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại thành phố Kon Tum như dự án Hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla; dự án Khu dân cư Hoàng Thành; dự án Nhà máy sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng chất lượng cao tại xã Vinh Quang và đặc biệt là Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại của VinCom với tổng mức đầu tư 298,65 tỷ đồng (đã hoàn thành đưa vào sử dụng) và Dự án tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum với tổng vốn đầu tư 1.332 tỷ đồng đang được triển khai... Những dự án đó góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế và tạo dựng hình ảnh đẹp cho đô thị trung tâm của Kon Tum.

Thành phố Kon Tum đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Ảnh: PN

 

Tại vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi, việc đầu tư, phát triển vùng kinh tế động lực gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Trong giai đoạn 2015-2019, tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút được 31 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 71,724 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu hiện có đến nay là 52 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.222,47 tỷ đồng, vốn thực hiện 575,12 tỷ đồng, trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đầu tư đăng ký 680,24 tỷ đồng, vốn thực hiện là 487,65 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 28 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 1.365 lao động. Việc thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư hoạt động tại Ngọc Hồi đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thương mại - dịch vụ và nâng cao đời sống trên địa bàn.

Tương tự, ở vùng kinh tế động lực Kon Plông, nhờ vận dụng linh hoạt những chính sách, sự quan tâm và tạo mọi điều kiện của chính quyền huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại địa bàn. 

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kon Plông cho biết: Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thông thoáng nên đến nay, trên địa bàn huyện đã có 98 dự án đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 20.782 tỷ đồng, tổng diện tích 7.035,9ha. Trong đó, dự án tập trung chủ yếu là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và năng lượng. Điều đáng mừng là có nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, TH... Những dự án này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, giải quyết lao động, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nhiều nhà đầu tư đến Kon Plông đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. Ảnh: PN

 

Những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư thời gian qua không phải ngẫu  nhiên mà có. Đó là sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Trong đó đáng chú ý nhất là lãnh đạo tỉnh trực tiếp vào cuộc, chủ động, làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển...

Tiếp tục phát huy kết quả đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, tỉnh ta tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh. Xây dựng nền hành chính công thân thiện, tiện lợi; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư... qua đó, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa Kon Tum trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư tại khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.123 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 35.259 tỷ đồng, tăng 916 doanh nghiệp, tăng 9.981 tỷ đồng vốn so với năm 2015.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác