Dấu ấn nông thôn mới ở Kon Đào

07/04/2017 08:03

​Vào sâu các thôn làng của xã Kon Đào (huyện Đăk Tô), chúng tôi thấy việc xây dựng nông thôn mới ở xã để lại nhiều ấn tượng: những con đường được bê tông hóa, nhà cửa người dân xây dựng ngăn nắp, có vườn tược, tường rào, có chuồng trại nhốt gia súc và việc sản xuất đang từng bước được cơ giới hóa…

Góc nhìn từ làng Đăk Lung

Về xã Kon Đào trong mùa con ong đi lấy mật, nắng sóng sánh giữa làn gió cuốn. Vào làng Đăk Lung, tôi bắt gặp những tuyến đường bê tông nông thôn mới cắt làng thành những ô bàn cờ như phố thị. Hai bên đường, nhà của dân được rào giậu theo quy hoạch xinh xắn. Đây đó, mùi mít chín trong vườn nhà dân tỏa ra thơm nức.

Già làng A Djon (người dân tộc Xê Đăng), làng Đăk Lung khoe: Các tuyến đường trong làng được bê tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc bê tông đường làng được thực hiện theo hình thức Nhà nước hỗ trợ vật liệu, bà con hiến đất và đóng góp công sức. Có đường đi lại thuận lợi, bà con ai cũng phấn khởi. Đời sống người dân bây giờ khác xưa, không ai còn đói cơm, lạt muối như ngày nào.

Tuyến đường bê tông làng Đăk Lung. Ảnh: V.N

 

Trong làng Đăk Lung có 93 hộ thì có hơn 80ha cao su, 10ha cà phê, trên 100ha mì, 15ha lúa nước… Tính ra, bình quân mỗi hộ có khoảng 1ha cây công nghiệp (cao su, cà phê). Không tính thu nhập từ các cây trồng khác, mùa cạo mủ cao su, bình quân mỗi hộ thu gần 250 nghìn đồng/ngày từ cao su. Tuy nhiên, xã vẫn còn nhiều hộ nghèo do một số hộ mới lập gia đình chưa có thời gian xây dựng được cơ nghiệp, hộ già yếu, ốm đau…

Trao đổi về phát triển kinh tế, già A Djon phấn khởi cho biết, gia đình ông có 4ha cao su đi vào khai thác. Cây cao su của gia đình được trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp và ông đã hoàn trả xong vốn vay cho ngân hàng. Mùa khai thác mủ, bình quân mỗi ngày ông thu được 1 triệu đồng từ cao su. Ngoài cao su, ông còn trồng 2-3ha mì, 1ha bời lời, 0,5ha cà phê, 3 sào ruộng lúa. Năm 2016, gia đình ông thu được trên 200 triệu đồng. Từ lâu, gia đình ông mua sắm được máy cày để vừa cày vừa vận chuyển phân bón, nông sản.

Gắn bó với cơ sở, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây phát triển kinh tế không thua kém đồng bào Kinh. Ở làng Đăk Lung, số hộ gia đình trồng cao su, cà phê, mì… có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm trở lên khá nhiều như A Dem, A Hem, A Pho, A Nghĩa… Công việc sản xuất người dân cũng không còn phải dùng sức nhiều như trước. Ở làng có 50% số hộ có xe ô tô, máy cày phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

Máy cày kép được dùng phổ biến trong sản xuất. Ảnh: V.N

 

Các tuyến đường trục thôn, trục xóm ở làng Đăk Lung hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới. “Tuy nhiên, đường ra khu sản xuất chưa được bê tông, sạt lở nhiều, đi lại rất khó khăn. Người dân mong được Nhà nước quan tâm đầu tư bê tông đường ra khu sản xuất và xây cầu treo bắc qua suối Đăk Rnghé” - già A Djon kiến nghị.

Quyết tâm của địa phương

Theo ông Dương Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã, để nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho người dân vay vốn và thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Cây trồng phát triển mạnh nhất trên địa bàn xã là cây cao su. Cao su được xem là cây trồng chiến lược giúp bà con giảm nghèo, nâng cao đời sống hiệu quả nhất.

Tính đến thời điểm này, toàn xã phát triển 858,5ha cao su. Bên cạnh đó, bà con còn trồng được 179ha cà phê, 158ha bời lời, 8,5ha mắc ca… Trên thực tế, số hộ có thu nhập cao ở xã chủ yếu là từ cao su. Những năm gần đây giá cao su hạ, xã định hướng và vận động một số hộ có điều kiện chuyển đổi một số đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thí điểm 5ha hồ tiêu. Cây tiêu phát triển tốt và đang đi vào giai đoạn thu bói.

Ngoài trồng trọt, xã vận động bà con phát triển chăn nuôi bò theo hình thức vỗ béo. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 40% số hộ chăn bò theo mô hình này. Việc phát triển chăn nuôi bò theo hình thức vỗ béo cũng giúp cho bà con có thêm thu nhập. Nhiều hộ còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo. Tuy nhiên, bà con mong muốn có sự liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra và giá cả ổn định hơn.

Bằng những nỗ lực trong việc phát huy sức dân và huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2016, xã Kon Đào thu nhập bình quân đầu người đạt 24,35 triệu đồng/năm và đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

Các tiêu chí Kon Đào đã đạt nông thôn mới là: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, lao động, hợp tác xã, giáo dục, môi trường và an ninh trật tự. “Việc thực hiện các tiêu chí còn lại được xã triển khai các giải pháp thực hiện một cách cụ thể. Xã đang nỗ lực cao nhất, phấn đấu đến cuối năm 2018 về đích nông thôn mới”-ông Dũng chia sẻ.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác