Dấu ấn kinh tế trên hành trình phát triển

30/04/2023 13:29

Sau 48 năm kể từ Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023) hòa cùng sự phát triển của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta luôn đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, xây dựng kinh tế- xã hội ổn định và phát triển toàn diện. Đặc biệt, trong hành trình phát triển đó, lĩnh vực kinh tế đã tạo được những dấu ấn quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện Nghị quyết số 245 của Bộ Chính trị (ngày 29/1/1975), tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai sáp nhập thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Giai đoạn này, tỉnh Gia Lai-Kon Tum bước vào công cuộc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ, củng cố thành quả cách mạng trong điều kiện gặp vô vàn khó khăn.

Đến năm 1991, trước những yêu cầu của sự phát triển và thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai- Kon Tum, tại kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991), Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành 2 tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Từ đây, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta.

Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định và duy trì mức tăng cao. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, khi mới “ra riêng”, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu sản xuất cây lương thực truyền thống; giao thông trong thế ngõ cụt, nhiều địa phương không có đường giao thông đến trung tâm xã; đời sống nhân dân nghèo nàn, thiếu thốn mọi mặt.

Những năm đầu thành lập lại tỉnh, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, lựa chọn bước đi thích hợp, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này, trước hết là tập trung phát triển kinh tế, lo giải quyết “cái mặc cho người dân”. Sản xuất nông nghiệp bước đầu phá thế độc canh cây lúa, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp như cao su, cà phê... Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ dần được hình thành hoặc được nâng cấp từ các cơ sở cũ.

Từ năm 1996, kinh tế tỉnh ta bắt đầu phát triển có chiều sâu và đi vào ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1996- 2000 đạt 9,15%. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang đầu tư thâm canh, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống mới thay thế các giống cây trồng cũ có năng suất thấp; các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày ngày càng phát triển nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành công nghiệp, dịch vụ thực sự đi vào ổn định và phát triển, các sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Đặc biệt, dấu ấn phát triển kinh tế của tỉnh được thể hiện rõ nét trong khoảng 20 năm gần đây, với những bước đi nhanh và vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng như Khu Công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum), Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) cùng với nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương được đưa vào khai thác đã tạo cơ sở, động lực cho ngành công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Quy mô toàn ngành tăng từ  402 tỷ đồng năm 2002 lên 8.246 tỷ đồng vào năm 2022 (giá so sánh 2010).

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển. Ảnh: T.H

 

Mạng lưới thông giao được đầu tư xây dựng, mở rộng với Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh tạo sự thông suốt về giao thông của tỉnh với các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và sang Lào; tạo đà cho sự phát triển ngành vận tải, lưu thông hàng hoá và du lịch.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm; kinh tế nông nghiệp dần trở thành một trong những “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Diện tích các loại cây trồng chính như cà phê, cao su, lúa được duy trì và mở rộng, trong đó, diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Chăn nuôi có sự chuyển dịch lớn từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp theo hình thức trang trại. Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân.

Sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đã đưa quy mô, tăng trưởng kinh tế phát triển vượt bậc. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 17.627 tỷ đồng, tăng hơn 18,75 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2002-2020 đạt 10,18%/năm. Riêng từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại, nhưng vẫn thuộc nhóm có tốc độ cao trong vùng Tây Nguyên.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng trưởng mạnh mẽ, nếu như năm 2002 tổng thu chỉ đạt 162 tỷ đồng thì đến năm 2022 đạt trên 4.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm, năm 2022 là 23.174 tỷ đồng, gấp 24,2  lần so với năm 2002 (951 tỷ đồng).

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực và rõ nét theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản và tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng. Cụ thể, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế giảm từ 44,8% năm 2002 xuống còn 19,42% năm 2022; ngành công nghiệp, xây dựng từ 18,9% tăng lên 30,78% và ngành dịch vụ từ 36,3% tăng lên 41,41%.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh ta thực hiện tốt các mục tiêu phát triển xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là điều kiện, động lực giúp Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh ta tự tin, tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, giành được nhiều thành tựu trong hành trình xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.    

Thùy Hương

Chuyên mục khác