06/10/2019 06:20
Nhận diện khó khăn để tìm giải pháp thích hợp
Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (năm 2010), tỉnh Kon Tum có 81 xã thực hiện xây dựng NTM (nay là 86 xã) đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức về mọi mặt; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, năm 2010, bình quân toàn tỉnh mới chỉ có 2,7 tiêu chí đạt chuẩn/xã, 66/81 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí, ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước; hệ thống hạ tầng cơ sở vùng nông thôn rất thiếu và không đồng bộ; nguồn lực để xây dựng NTM vô cùng thiếu; điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới chỉ đạt 10,804 triệu đồng/năm…
Để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ bản đồng bộ, thúc đẩy sản xuất, chăm lo đời sống người dân, cần phải có khối lượng tài chính, vật chất rất lớn, nhưng điều kiện kinh tế và các nguồn lực xã hội của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng lúc ấy đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân về xây dựng NTM còn mơ hồ, thậm chí có tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa khẳng định: “Tại thời điểm đó, trong chúng ta chưa nhiều người tin là sẽ xây dựng được NTM trong một bối cảnh cục diện như vậy”.
Tuy nhiên, với quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, tỉnh ta đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, những nhiệm vụ được tập trung triển khai là tổ chức các phong trào thi đua Kon Tum chung sức xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được ý nghĩa của chương trình và vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia xây dựng NTM; tỉnh và các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã xây dựng đồ án quy hoạch xây dựng NTM và Đề án xây dựng NTM cấp xã hoàn thành ngay trong năm 2011 để làm cơ sở tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy hoạch và kế hoạch đề ra; lựa chọn các xã xây dựng điểm chương trình NTM trên tinh thần triển khai xây dựng trên địa bàn tất cả các xã, nhưng ưu tiên chỉ đạo điểm tại một số xã để thực hiện đạt mục tiêu đề ra; các ngành, các địa phương tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương thực hiện.
|
Để từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ, tỉnh và các địa phương tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư những hạng mục công trình nằm trên địa bàn thôn, làng gắn với phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống và sản xuất của người dân như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao thôn; đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để nâng cao thu nhập cho người dân…
Nhằm đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM đến nay, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến xã đã ban hành những nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Diện mạo mới sau 10 năm nỗ lực
Với sự đầu tư của Trung ương và sự cố gắng phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và bằng nhiều giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo; sau 10 xây dựng NTM, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực.
Toàn tỉnh đã có 18/86 xã đạt chuẩn NTM. Từ chỗ có 66 xã dưới 5 tiêu chí, đến nay đã không còn xã đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã đến nay là 12,23 tiêu chí, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1 tiêu chí/xã. Một số địa phương có số tiêu chí đạt chuẩn cao như huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông và thành phố Kon Tum.
|
Hiệu quả của việc chú trọng đầu tư, nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh được thể hiện rõ trên từng lĩnh vực. Về hạ tầng kinh tế - xã hội, từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đầu tư xây dựng, nâng cấp trên 1.900km đường giao thông thông thôn, 100% xã được đầu tư điện lưới quốc gia…, góp phần nâng cao điều kiện sống người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa, đưa kinh tế - xã hội các địa phương từng bước phát triển. Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, đặc biệt là các điểm trường lẻ tại các thôn, làng vùng khó khăn được ưu tiên đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 45/86 xã có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, khu thể thao xã được đầu tư xây dựng. Hệ thống trạm y tế xã cũng được ưu tiên xây dựng góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở địa phương…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và đổi mới hình thức sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ một số loại cây có giá trị thấp như mì, bắp, lúa... sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây công nghiệp như bơ, sầu riêng, cà phê, cao su..., mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng cà phê xứ lạnh Đông Trường Sơn; vùng sản xuất rau, hoa, củ xứ lạnh tại huyện Kon Plông; vùng sản xuất rau an toàn tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà; vùng trồng cây dược liệu tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei...
Bước đầu hình thành được những mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc đang được tập trung đầu tư phát triển.
Các hợp tác xã được tổ chức lại và thành lập mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 68 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 112 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 108 trang trại trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp…
Tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn NTM; các xã còn lại mỗi năm bình quân đạt được ít nhất từ 1- 2 tiêu chí; số tiêu chí bình quân trên xã là 14 tiêu chí/xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM: “Các địa phương phải chủ động triển khai ngay nhiệm vụ đã được giao; công việc nào dễ thì làm trước; ưu tiên nguồn lực; tập trung chỉ đạo thường xuyên; đặc biệt là phải khơi dậy được tinh thần, nguồn lực, công sức, vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM. Chúng ta phải xác định không ai làm thay chúng ta cả, không ai nắm địa bàn hơn chính các đồng chí lãnh đạo cấp huyện, cấp cơ sở, đây là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Để làm được như thế thì trách nhiệm của hệ thống chính trị là hết sức quan trọng. Đồng thời, các ngành của tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ được giao phụ trách tiêu chí có trách nhiệm rà soát lại và có giải pháp phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện”.
Từ những dấu ấn đạt được qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai, với tinh thần quyết liệt của các cấp chính quyền và các ngành chức năng như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh sẽ đạt và vượt những mục tiêu đề ra, tạo nên sự thay đổi toàn diện về kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngang bằng với khu vực thành thị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thùy Hương