Đắt như... rau xanh

04/01/2017 09:07

Hơn nửa tháng nay, giá các mặt hàng rau củ trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, nhất là các mặt hàng rau ăn lá giá tăng đến “chóng mặt”. Nguồn cung khan hiếm, thị trường rau củ đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo khảo sát của  phóng viên Báo Kon Tum, giá nhiều loại rau xanh tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum đã tăng cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với giá bán một tháng trước.

Đặc biệt, một số mặt hàng rau ăn lá như mồng tơi, rau muống, cải ngọt, cải xanh... bình thường giá bán chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/bó thì hiện tại được bán với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/bó; giá rau xà lách tăng từ 25.000 đồng/kg lên 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Hiện tại, dưa leo, đậu côve 14.000 – 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng; ớt quả cũng tăng từ mức 20.000 đồng/kg lên 90.000 – 100.000 đồng/kg...

Giá rau tăng cao, lượng rau cũng không dồi dào như trước. Ảnh: T.H

 

Một số loại rau xứ lạnh như su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây cũng tăng giá từ 40 – 50% so với trước đây, nhưng vẫn được xem là khá “dễ chịu” bởi các loại rau  này được thương lái đưa từ các tỉnh phía Bắc vào tương đối nhiều.

Không chỉ tăng mạnh về giá, lượng rau bán ra trên thị trường cũng bị sụt giảm mạnh, mặt hàng cũng không phong phú như trước. Người tiêu dùng khổ sở, những người buôn bán rau cũng chẳng sung sướng gì.

Chị Hoà (một tiểu thương bán rau tại chợ Duy Tân) cho biết: Giá đắt nhưng không phải muốn lấy hàng là có, đợt này sạp rau của tôi không đủ để bán cho khách. Nếu như trước đây tôi chỉ lấy hàng từ các mối quen, thì giờ phải gom từ nhiều nguồn mới có hàng để bán, lấy từ nhà vườn, chợ đầu mối rồi đặt hàng các hộ trồng nhỏ lẻ... Giá rau mua vào cao khiến người buôn bán chúng tôi cũng gặp khó vì không dám bán quá cao cho khách, còn bán chênh lệch ít thì chẳng lời lãi được bao nhiêu, nếu chẳng may bị dập nát, hư hao có khi chỉ hoà vốn.

Theo các tiểu thương tại chợ đêm phường Quyết Thắng, như lệ thường vào các năm trước, từ tháng 12 trở đi, giá rau sẽ hạ dần bởi khi chuyển sang mùa khô, việc trồng rau dễ dàng hơn, lượng rau cung ứng trên thị trường nhiều lên sẽ kéo giá rau xuống. Nhưng năm nay thì ngược lại, giá rau còn cao hơn cả những tháng mùa mưa. Nguyên nhân do nguồn cung rau đang bị thiếu hụt nặng nề.

Tại các cánh đồng rau ven thành phố Kon Tum như Thắng Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Thống Nhất... thời điểm này, các ruộng rau không được xanh tốt như mọi năm, đa phần là rau mới xuống giống. Nguồn cung rau bị thiếu hụt do thời tiết bất lợi, mưa kéo dài rồi đột ngột chuyển sang tiết trời nắng khô nên cây rau không phát triển được.

Anh Nguyễn Hữu Ba (tổ 4, phường Thắng Lợi) chia sẻ: Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, mưa đến tận tháng 12, hết mưa thì lại nắng khô nên cây rau không thể thích nghi nổi, gieo lên rồi nhưng cũng thối gốc, thối rễ, chùn ngọn; cây lấy quả thì rụng non, thối...

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khi nguồn cung rau tại địa bàn không đáp ứng được nhu cầu của người dân thì việc nhập rau từ các tỉnh lân cận vốn là những nơi cung ứng truyền thống như Gia Lai, Đà Lạt, Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn.

Nguồn rau từ Quảng Ngãi gần như bị đứt hoàn toàn do mưa lũ diễn biến phức tạp, kéo dài tại địa phương này thời gian qua; còn nguồn cung rau từ Gia Lai, Lâm Đồng cũng rất khan hiếm và giá khi nhập về đến thị trường tỉnh ta cũng cao ngất ngưởng.

Chính vì thế, nguồn cung rau đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn; các mặt hàng rau củ theo đó mà liên tục đội giá.

Không chỉ ngán ngẩm vì giá tăng cao, người tiêu dùng còn luôn thấp thỏm lo lắng về chất lượng rau xanh. Bởi khi giá cao, một số người làm rau theo kiểu cơ hội sẽ sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng để nhanh chóng thu hoạch. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Vì thế, ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại rau củ bán ra trên thị trường để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác