15/04/2021 06:03
Biến tiềm năng thành hiện thực
Cách đây khoảng chục năm, Kon Tum còn khá trầm lắng trong thu hút đầu tư so với các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nguyên. So với các địa phương khác trong khu vực như Đăk Lăk, Lâm Đồng và ngay cả láng giềng sát bên là Gia Lai đều có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển sôi động, Kon Tum hầu như được biết đến với những thông tin còn ít ỏi, hạn chế. Nếu biết đến, nhiều người và cả các nhà đầu tư thường mặc định Kon Tum là tỉnh miền núi nghèo, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp... Cảnh đẹp thì có, quỹ đất sạch cũng nhiều, lực lượng lao động trẻ đông... nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức độ “tiềm năng”.
Không để “tiềm năng” mãi chỉ là “tiềm năng”, Kon Tum đã có những trăn trở, những ấp ủ và tầm nhìn dài hạn trong tương lai. Liên tục qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tập trung thảo luận, đi sâu phân tích những thuận lợi, những khó khăn, những mặt hạn chế và đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ, phương hướng cụ thể cho cả giai đoạn. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có các Nghị quyết chuyên đề để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; có các biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
|
Với nhiều chính sách, biện pháp được triển khai, Kon Tum ngày càng có sức hút, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư cho 192 dự án, trong đó 184 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 20.610,7 tỷ đồng. Điều đáng mừng là tỉnh ta đã kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm như: Tập đoàn FLC, Vingroup, TH True Milk đã đến đầu tư tại tỉnh. Ngoài ra, trong 5 năm 2016-2020, tỉnh ta đã huy động và bố trí khoảng 7.681 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và Ngọc Hồi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Và hiện nay, cả ba vùng kinh tế động lực này đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với những dự án đầu tư được triển khai và hoạt động hiệu quả.
Những con số thống kê biết nói vừa nêu đã phần nào cho thấy sự nỗ lực trong việc xây dựng, đưa các nghị quyết, chủ trương đi vào cuộc sống và biến tiềm năng, lợi thế của tỉnh thành hiện thực trong thời gian qua.
Nhìn nhận một cách khách quan, để mang lại kết quả tích cực đó thì có một yếu tố rất quan trọng khiến các nhà đầu tư chọn, gắn bó với Kon Tum chính là sự tâm huyết, thiện chí mời gọi đầu tư cũng như những nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp vào cuộc, chủ động làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Mới đây, trong cuộc làm việc của Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum với Tập đoàn FLC, ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Bamboo Airways đã chia sẻ: Trong quá trình triển khai các dự án tại Kon Tum, những khó khăn, vướng mắc khi được trao đổi đều được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chia sẻ cùng tháo gỡ, giải quyết. Điều đó đã tiếp thêm động lực, mang lại niềm tin để FLC cùng nỗ lực hợp tác với tỉnh trong việc triển khai nhiều dự án trong thời gian tới.
Với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đã khẳng định sức hút của Kon Tum không chỉ từ tiềm năng, lợi thế mà còn cả những nỗ lực phát triển lâu dài về chính sách thu hút đầu tư, đã tạo thành điểm nhấn để “chim đậu” trên “đất lành”.
Đáng mừng là thu hút đầu tư đã mang lại quả ngọt cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Diện mạo tỉnh nhà, từ vùng đô thị đến nông thôn, đặc biệt những nơi có dự án đầu tư có những khởi sắc đáng ghi nhận. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, các khu mua sắm hiện đại, các dự án phức hợp nhà biệt thự phố, các dự án khu vui chơi nghỉ dưỡng, các khu du lịch... đã đưa Kon Tum thoát được vẻ tĩnh lặng của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trước đây.
Cũng nhờ thu hút đầu tư, nhiều người dân Kon Tum không ly hương cũng không ly nông hoặc ly nông nhưng không ly hương, được tạo công ăn việc làm ổn định ngay trên quê hương mình. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, khi tham gia lao động trong các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp cận được các kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp làm việc khoa học, hiện đại... Những lao động này chính là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS có sự thay đổi về nhận thức, cách làm.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, hàng loạt nội dung, công việc được tỉnh triển khai nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh của tỉnh; Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh có buổi làm việc với Tập đoàn FLC…
Để thu hút đầu tư có rất nhiều yếu tố, ngoài tiềm năng, thế mạnh thì một vấn đề rất được các nhà đầu tư quan tâm là chính sách thu hút đầu tư hợp lý, khoa học và môi trường đầu tư thuận lợi của địa phương. Đây được xem là yếu tố hết sức quan trọng để các nhà đầu tư có hài lòng và quyết định gắn bó với địa phương hay không.
|
Tuy nhiên thực tế qua các năm cho thấy, thứ hạng, điểm số của các chỉ số đo độ hài lòng của doanh nghiệp, người dân, gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDER) của tỉnh vẫn ở mức thấp. Và mặc dù không phải cứ ở vị trí thấp là không có những điểm làm tốt nhưng điều này cũng phần nào thể hiện hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh ở một số lĩnh vực vẫn chưa nhận được sự hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp. Hàng loạt vấn đề vẫn đang là tác nhân cản trở người dân và doanh nghiệp. Vẫn còn những nhiêu khê trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, khiến doanh nghiệp, người dân phải đi lại nhiều lần. Dù lãnh đạo tỉnh tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhưng về đến các địa phương, các sở ngành lại còn theo kiểu “trên nóng – dưới lạnh”…
Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh của tỉnh được Tỉnh ủy tổ chức mới đây đã nhìn thẳng vào nội lực tỉnh đang có, nhìn thẳng vào những chỉ số thành phần trong các bộ chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI để tối ưu hóa, nhìn thẳng vào những hạn chế để thanh lọc những bất cập, hạn chế, kiểu “trên nóng dưới lạnh”, kiểu “trên trải thảm dưới trải đinh”… nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là ưu tiên trọng tâm và xuyên suốt. Qua phân tích, đánh giá, Hội nghị đã đặt mục tiêu, năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu tăng 10 bậc trong xếp hạng chỉ số PAR INDEX (tức đạt hạng 43/63 tỉnh, thành phố); chỉ số PAPI tăng 10 bậc (đạt 49/63 tỉnh, thành phố); chỉ số PCI tăng 10 bậc (đạt 46/63 tỉnh, thành phố). Và để đạt mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành trong thời gian tới phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trực thuộc không tham nhũng, nhũng nhiễu, không gợi ý “bôi trơn” khi giải quyết công vụ đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác tại cơ quan, đơn vị, trường hợp phát hiện cá nhân vi phạm phải xử lý nghiêm…
Tin rằng, với sự quyết liệt, năng động, sáng tạo của tỉnh, của lãnh đạo tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thể chế, đồng bộ trong công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp… sẽ tạo thế và lực để có thêm nhiều nhà đầu tư lựa chọn đất lành Kon Tum làm điểm dừng chân lý tưởng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về thu hút đầu tư: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh....”
Nguyên Phúc