27/03/2017 19:01
Cùng với sự phát triển ngày càng đi vào chiều sâu của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, yếu tố lao động là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, cụm từ “công nhân nông nghiệp” là yêu cầu của các doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Plông.
Ông Lê Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Kon Plong Agri-Tourism cho biết, doanh nghiệp đang hợp tác với Công ty Four Way (Úc) triển khai dự án trồng rau sạch theo công nghệ Úc tại Kon Plông với nhiều công đoạn và tiêu chuẩn khắt khe. Trước tiên là diện tích trồng rau cho dự án tối thiểu để có thể triển khai là 80ha, với khoản đầu tư cho 1ha nhà kính ít nhất là 7 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến 7,5 triệu USD, mỗi bên đối tác chịu một nửa. Để có được những nhà kính mà bên trong sẽ là hệ thống tưới nước và bón phân hoàn toàn tự động, rồi hệ thống kho lạnh và dây chuyền đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn Úc, các chuyên gia của Four Way đã phải nhiều lần sang Kon Plông để nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu. Và để điều hành chuỗi nông nghiệp này, các nông dân phải được đào tạo bài bản theo đúng các quy trình của công ty đưa ra. Vì vậy, công ty rất cần những nông dân được đào tạo công nhân nông nghiệp, nhất là người tại chỗ ở Kon Tum.
|
Với nền nông nghiệp công nghệ cao mà các nhà đầu tư đang triển khai các dự án tại Kon Plông thì những người lao động phải có tác phong công nghiệp, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất. Họ chính là những công nhân có khả năng nắm bắt được quy trình kỹ thuật và làm chủ công nghệ sản xuất, sẽ được hưởng lương và các chế độ như các công nhân kỹ thuật cao làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Phan Thanh Bình - Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Kon Plông cho biết: Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất rau, hoa, củ quả tại huyện Kon Plông yêu cầu trên 100 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, có kiến thức về sản xuất rau, hoa, biết kỹ thuật hệ thống tưới và hệ thống tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn và nghề thú y… Nhưng rất tiếc nguồn nhân lực để làm nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương chưa được phát triển, nên chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp này.
Ông Phạm Thanh Vận - Phó ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen cho biết: Trung tâm Dạy nghề Măng Đen đang trồng thử nghiệm các loại rau, củ quả có giá trị cao như dưa lưới Nhật, lan gấm… để theo dõi về ánh sáng, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng cho cây, làm mô hình cho người học nghề thực tập. Tuy nhiên, đến nay, việc đào tạo công nhân nông nghiệp, Trung tâm chưa thực hiện vì chưa được giao chỉ tiêu.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là mô hình nông nghiệp kiểu mới với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau trong chuỗi tiêu thụ từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng, đem lại những giá trị xứng đáng với sản phẩm nông nghiệp đó. Và khi áp dụng mô hình này, các doanh nghiệp sẽ sử dụng người nông dân như một người công nhân thực thụ, có tri thức, được thụ hưởng những chế độ, tiền lương phù hợp với năng lực lao động của họ. Ở đó dần dần họ sẽ được giải phóng sức lao động, không còn vất vả, dãi nắng dầm sương. Vì vậy, đã đến lúc cần phải đào tạo công nhân nông nghiệp trên địa bàn, đó là xu thế tất yếu, đem lại bức tranh sáng trong tương lai cho nền nông nghiệp công nghệ cao Kon Tum.
Dương Lê