04/07/2020 13:11
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc dự trữ hàng hóa thiết yếu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa, Sở phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu tiêu dùng của từng vùng, địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi bão lụt…để xây dựng phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa phù hợp, bảo đảm đúng nhu cầu của người dân.
Các mặt hàng được chuẩn bị dự trữ chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân như gạo, mắm, muối, hoá mỹ phẩm, thực phẩm khô, xăng dầu…và một số mặt hàng phục vụ công tác cứu hộ, khắc phục mưa bão như phao cứu sinh, tôn lợp, đèn pin…được các doanh nghiệp dự trữ tại kho vừa để phục vụ kinh doanh, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có thiên tai, lụt bão xảy ra.
|
Hiện, toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp, đại lý, nhà phân phối đứng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi đăng ký dự trữ và cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão năm nay với lượng hàng hoá đa dạng, phong phú. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực được các đơn vị dự trữ với số lượng lớn như gạo khoảng 3.800 tấn, muối khoảng 22 tấn, nước mắm 21.738 lít, mì tôm gần 23.500 thùng, 168.200 thùng nước uống, dầu ăn gần 16.200 lít, 321.337 lít xăng, 1 tấn ga, 437 chiếc tăng bạt, 16.000m2 tôn lợp, 540 áo phao…
Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, các doanh nghiệp còn chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vận chuyển khi có tình huống thiên tai xảy ra để nhanh chóng đưa hàng hóa đến những khu vực cần thiết. Các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng cam kết bán hàng với mức giá bình ổn, đúng quy định, tuyệt đối không tăng giá và gây khó khăn cho người dân vùng thiên tai, mưa lũ.
Theo ông Võ Duy Tuấn-Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, xác định xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, không thể thiếu để phục vụ tiêu dùng, sản xuất và đảm bảo an ninh quốc phòng, từ đầu mùa mưa, đơn vị luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về việc dự trữ, cung ứng đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Đến thời hiện tại, toàn bộ lượng hàng dự trữ đã được Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum chuẩn bị sẵn sàng tại 28 cửa hàng trên toàn tỉnh và cam kết thực hiện bán hàng theo đúng thời gian và giá bán niêm yết. Khi có bão lũ xảy ra, sẽ huy động các phương tiện vận chuyển hàng hóa đảm bảo phục vụ kịp thời cho nhu cầu của khách hàng. Trường hợp xảy ra sự cố về lưới điện 100%, các cửa hàng đều có máy phát điện để phục vụ cho công tác bán hàng được liên tục… góp phần ổn định thị trường xăng dầu mọi tình huống thiên tai.
Bên cạnh đó, Sở Công thương và các địa phương còn vận động các đại lý, cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực thuộc vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt cục bộ, dài ngày tăng nguồn hàng dự trữ tại chỗ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi điều kiện thời tiết, không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa thiết yếu. Trong trường hợp khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ lụt, các doanh nghiệp đầu mối tại địa phương đảm nhận cung ứng hàng hóa ngắn hạn từ 5 -10 ngày sau khi thiên tai xảy ra để bảo đảm ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả.
Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng, Sở Công thương còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, nâng giá, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu…trước, trong và sau mùa mưa, lũ.
Thiên tai, bão lũ luôn xảy ra bất ngờ và diễn biến khó lường. Do đó, việc chủ động của các cấp, các ngành và sự chung tay của doanh nghiệp trong việc đảm bảo dự trữ phong phú các nguồn hàng phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh - quốc phòng và đời sống của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần ổn định thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá trong mùa mưa lũ.
Thiên Hương