Đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa cuối năm

07/12/2022 06:11

Thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thường tăng cao, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghiệp, đồ gia dụng. Để góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm tiêu dùng của người dân, ngành Công thương chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động cung ứng- phân phối, kiểm soát và điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đã tăng trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng vừa qua ước đạt 28.530,02 tỷ đồng, tăng 20,42% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo quy luật thị trường, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sức mua thường tăng cao hơn so với bình thường từ 20 - 30%. Vì vậy, việc nắm bắt nhu cầu thị trường và chuẩn bị hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu người dân cả số lượng và chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường hàng hóa.

Do đó, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, đồng thời đảm bảo kiểm soát giá cả hàng hóa, bình ổn thị trường Sở Công thương đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng phương cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, đội giá.

Siêu thị Co.op Mart là một trong những đơn vị chủ lực tham gia Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết này. Ảnh: TH

 

Theo đó, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Năm nay, toàn tỉnh có 2 đơn vị là siêu thị Win Mart, siêu thị Co.op Mart Kon Tum đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá trên 53,731 tỷ đồng, trong đó, siêu thị Win Mart dự trữ trên 2,755 tỷ đồng; siêu thị Co.op Mart Kon Tum dự trữ trên 50,976 tỷ đồng. Hàng hóa bình ổn giá là những mặt hàng thiết yếu như: Đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, bánh, kẹo, gạo các loại, thịt heo, thịt bò, thực phẩm chế biến sẵn. Thời gian thực hiện bình ổn giá từ đầu tháng 12/2022 đến hết tháng 1/2023. Qua đó, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến. Giá cả hàng hóa mà các đơn vị tham gia bình ổn thực hiện cũng là cơ sở để các doanh nghiệp ngoài chương trình tham chiếu, định giá bán sản phẩm của mình, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn cho người dân, ngoài 2 điểm bán hàng cố định tại thành phố Kon Tum, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, siêu thị Win Mart, siêu thị Co.op Mart Kon Tum cũng sẽ triển khai các chuyến bán hàng lưu động tại xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) theo chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2023. Qua đó, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chất lượng, giá cả phải chăng sẽ được đưa đến tận tay người tiêu dùng ở những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Thực tế cho thấy, việc triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng Tết những năm qua đã mang lại tác động tích cực cho thị trường và người tiêu dùng, nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp.

Vì vậy, để khích lệ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia chương trình, sở Công thương đã chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; các chương trình liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh và kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp các địa phương; phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý hàng hóa vi phạm. Ảnh: T.H

 

Khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao vào dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và sức khỏe của người dân. Do đó, để góp phần ổn định thị trường, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình bình ổn, các lực lượng chức năng cũng triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại

Để ổn định thị trường hàng hóa, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần sự chung tay góp sức của chính những người tiêu dùng. Ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên tích trữ quá nhiều hàng hóa; hãy kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm khi mua và nói không với hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác