Đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh

11/02/2022 13:07

Là “quê hương” của sâm quý Ngọc Linh với giá trị dược lý và kinh tế rất cao, đến cuối năm 2021 tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum đạt gần 1.160ha. Với những bước đi cụ thể cùng nhiều giải pháp, tỉnh Kon Tum đang hướng gần tới mục tiêu phát triển được vùng nguyên liệu đảm bảo cho công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh.

Cuối năm, dưới các cánh rừng nguyên sinh trên độ cao khoảng 1.800m so với mặt nước biển, nhiều người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông vẫn cần mẫn với việc gieo trồng "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh.

Tại thời điểm xuống giống, mỗi cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi có giá trên 300.000 đồng và mỗi hạt sâm là hơn 100.000 đồng. Anh A Chen, làng Đăk Dơn, xã Măng Ri, khẳng định, nhà nào cũng mong muốn trồng được sâm Ngọc Linh: “Sâm Ngọc Linh cho giá trị kinh tế rất cao, đem lại cuộc sống no ấm cho bà con, con cái được học hành đầy đủ. Để trồng được sâm, bà con trao đổi hạt, cây giống với nhau phát triển diện tích riêng của mình và liên kết với Công ty cùng trồng sâm”.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã phát triển được gần 1.160ha sâm Ngọc Linh. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông. Với diện tích sâm Ngọc Linh hiện có, giá trị kinh tế mang lại cho doanh nghiệp và người trồng sâm ở Kon Tum đã là rất lớn. Tuy nhiên diện tích này là chưa đủ để sâm Ngọc Linh thành một ngành kinh tế, thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và vững vàng với vị thế sản phẩm quốc gia.

Giải được bài toán nguồn giống và nguồn lực, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng 500ha sâm Ngọc Linh trong năm 2022. Ảnh: K.Đ

 

Trong năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đã nhiều lần đến tận vùng trồng sâm Ngọc Linh, tìm hiểu cặn kẽ thực tế, đặc điểm sinh trưởng, phát triển và cả những “điểm nghẽn” trong việc mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.

Trăn trở khi sâm Ngọc Linh chưa thành “cây quốc kế dân sinh”, trong một chuyến công tác vào  tháng 11/2021, trao đổi với Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã “truy” đến ngọn ngành việc vì sao đến nay người dân trong xã mới trồng được 3,2ha sâm Ngọc Linh.

 “Núi rừng như thế này, độ cao như thế này, khí hậu thổ nhưỡng như thế này thì cơ bản là trồng được sâm Ngọc Linh có chất lượng, hiệu quả. Nhưng tại sao đến giờ phút này chỉ có 3,2ha của người dân? Mà sâm Ngọc Linh này là cây quý hiếm, giá trị cao, tại sao chúng ta lại không lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy tiềm năng thế mạnh này”- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Với quyết tâm mở rộng được vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh phục vụ cho công nghiệp chế biến, ngay từ những ngày đầu năm mới 2022, đã có những tín hiệu tích cực dự báo tạo bước đột phá trong việc mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.

Bài toán khó nhất là người dân không có cây sâm Ngọc Linh giống đã có lời giải. Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hiện sở hữu diện tích lớn nhất, với khoảng 700ha, khẳng định từ năm 2022, doanh nghiệp sẵn sàng bán  giống sâm Ngọc Linh cho người dân. Trước đó doanh nghiệp chỉ duy trì hình thức hỗ trợ miễn phí nên chưa đa dạng được về đối tượng và đáp ứng được nhu cầu về số lượng cây giống sâm Ngọc Linh trong dân. 

Công ty này và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô cũng hỗ trợ miễn phí cho 5 xã của huyện Đăk Glei, gồm Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Đăk Plô mỗi xã 1.000 cây sâm để gây vườn giống. Khi cây sâm có hạt tổ chức gieo ươm cấp lại cho dân.

Vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: KĐ

 

Cùng với đó là tiếp tục mở rộng mô hình nhóm liên kết cùng trồng sâm giữa doanh nghiệp và người dân. Từ thực tế mô hình nhóm liên kết trồng sâm với người dân của Công ty, ông Trần Hoàn- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Người dân không lo không có đất để trồng. Mặc dù Công ty phải thuê của Nhà nước nhưng Công ty cho người dân trồng trong diện tích đó, miễn sao phải cam kết và thực hiện đúng cam kết là không phá rừng. Người dân cũng có quy ước của mình. Trong nhóm liên kết trồng sâm nếu như ai vi phạm thì phần tài sản đó không được hưởng nữa. Có thể nói đây là mô hình hay, hiệu quả”.

Là vùng nguyên liệu trọng điểm sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, chính quyền huyện đã có giải pháp về nguồn lực đầu tư để nhiều người dân, nhất là đồng bào DTTS Xơ Đăng tại chỗ trồng được sâm Ngọc Linh.

“Năm 2022, ngoài việc người dân có giống tự phát triển thêm, huyện cũng đã đề nghị và được tỉnh thống nhất làm việc với ngân hàng chuyển nguồn vốn giải quyết việc làm cho huyện từ 50-60 tỷ để người dân vay vốn trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, nguồn vay hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo thì cũng khoảng 40 - 50 tỷ. Như vậy, năm nay, tổng nguồn vốn để phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng và cây dược liệu nói chung trong dân là khoảng 100 tỷ đồng, nên huyện không lo thiếu nguồn lực nữa”- ông Võ Trung Mạnh khẳng định.

Năm 2022 tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Đăk Glei 10ha và huyện Tu Mơ Rông 490ha. Với sự chủ động cả về nguồn giống và nguồn lực, Kon Tum tự tin đạt mục tiêu này nâng tổng diện tích sâm Ngọc Linh của tỉnh lên trên 1.600ha, hướng tới mục tiêu phát triển được vùng nguyên liệu đảm bảo cho công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh.     

KHOA ĐIỀM

Chuyên mục khác