05/11/2023 06:06
Theo nhận định của cơ quan Khí tưởng Thủy văn, do chịu tác động chung của hiện tượng El Nino, thời tiết thủy văn trên địa bàn tỉnh ta có những diễn biến bất thường hơn, lượng mưa ít, nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn dẫn đến lượng nước trên các sông, suối bị thiếu hụt. Khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh trong mùa khô 2023 -2024 và có khả năng xảy ra tới cả trong thời gian nửa đầu năm 2025 ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.
Để triển khai kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong mùa khô 2023-2024 và mùa khô 2024-2025, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước, phục vụ sản xuất.
|
Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 594 công trình thủy lợi, trong đó, 80 hồ chứa nước, 7 trạm bơm và 507 đập dâng; dung tích trữ thiết kế của 80 hồ chứa đạt khoảng 80 triệu m3, đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 10.000ha đất sản xuất. Trong đó, các công trình hồ chứa thủy lợi lớn chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum như hồ chứa Đăk Uy, Bà Tri (huyện Đăk Hà), Ia Bang Thượng, Tân Điền (thành phố Kon Tum).
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới của các loại cây trồng, Ban quản lý và khai thác các công trình thủy lợi chủ động triển khai tích trữ nước cho các hồ chứa trong mùa mưa năm 2023 và có kế hoạch trữ nước trong mùa mưa 2024 đảm bảo phù hợp với tình hình thời tiết. Đồng thời, thực hiện nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp để đảm bảo việc tích trữ nước an toàn, hiệu quả.
Song song với đó, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, vận hành các công trình thủy lợi. Trong đó, chú trọng thực hiện tưới luân phiên tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau, khu cao tưới trước khu trũng tưới sau; bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng, để có kế hoạch điều tiết nguồn nước kịp thời; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị vận hành và các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường lực lượng, vận động nhân dân thường xuyên tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục những chỗ hư hỏng, tránh rò rỉ, lãng phí nguồn nước.
Tại các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán như thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy, chính quyền quan tâm chỉ đạo ngành chức năng chủ động rà soát, đánh giá những vùng sản xuất có khả năng cao xảy ra hạn, trên cơ sở đó có phương án điều tiết, ưu tiên phân phối nguồn nước để giảm thiểu thiệt hại.
|
Trong trường hợp xảy ra hạn hán, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum cùng với các đơn vị liên quan sẽ huy động nhân lực, máy bơm nước tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn.
Chẳng hạn, tại thành phố Kon Tum sẽ bơm nước từ sông Đăk Bla bằng máy bơm điện của trạm bơm Vinh Quang, Măng La, Tà Rộp để tưới và tạo nguồn, dùng máy bơm bơm chuyển tiếp tưới cho khu tưới Tân Điền; đắp đập tạm ngăn dòng để dâng mực nước sông và dẫn nước vào bể hút để bơm nước tưới cho khu vực xã Kroong.
Tại huyện Đăk Hà, sẽ bơm nước từ suối hoặc kênh chính Nam của hồ Đăk Uy để bổ sung cho khu tưới Cà Sâm; Đăk Căm, Ông Phiêu; khu tưới xã Ngọc Réo, Đăk Hring, Đăk Pxi. Đồng thời, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ, để bơm tưới bổ sung cho những khu vực hạn.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống hạn, một trong những giải pháp được ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện là triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước tưới cho sản xuất; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng ngắn ngày có khả năng chịu hạn, sử dụng ít nước tưới bắp, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại vào trồng trên những diện tích đất thường bị thiếu nước để giảm thiệt hại khi hạn xảy ra; mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả ở những vùng khó khăn về nước tưới vừa giúp giảm áp lực về nước tưới, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Việc triển khai sớm các biện pháp phòng, chống hạn hán sẽ giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn diễn ra chủ động, thuận lợi, ổn định, đảm bảo hiệu quả sản xuất; giảm thiểu những thiệt hại do hạn hán gây ra trong sản xuất nông nghiệp.
Thiên Hương