09/03/2020 17:24
Sau khi có thông tin chính thức về ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại thành phố Hà Nội, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trên địa bàn thành phố Kon Tum, số lượng người dân đi mua sắm tăng cao. Các mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là gạo, mì tôm, đồ hộp, sữa, giấy vệ sinh, nước rửa tay…
Ông Đỗ Nhất Quân - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cho biết: Mấy hôm nay, lượng khách hàng đến mua sắm ở siêu thị tăng mạnh, sức mua cao hơn ngày thường từ 1,5 - 2 lần. Trong đó, sức mua tập trung chủ yếu vào thực phẩm đóng hộp, mì tôm, dầu ăn...
Theo quan sát của chúng tôi trong buổi sáng 9/3, trên xe, giỏ hàng của rất nhiều khách hàng tại Siêu thị Co.op Mart Kon Tum chất tới 2-3 thùng mì tôm, vài can dầu ăn, dăm lốc giấy vệ sinh, hàng chục hộp thịt, vài thùng sữa… Vào khoảng 12 giờ trưa mà lượng người mua sắm và đứng đợi thanh toán ở siêu thị này vẫn còn rất đông, khác hẳn không khí mua sắm thường ngày trước đó.
Một nhân viên giao hàng của siêu thị Co.op Mart tiết lộ, suốt từ chiều ngày 7/3 đến nay, anh liên tục phải “chạy sô” giao hàng cho khách, mà điều lạ là đa số khách hàng đều chỉ mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…
Không chỉ ở các siêu thị, tại một số cửa hàng tạp hóa lớn như Comcome, Thương mại tổng hợp… cũng có hiện tượng người dân “rủ nhau” đi mua các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm. Vì vậy, từ vài ngày nay, các cửa hàng đều dành những vị trí ưu tiên, thuận tiện để bố trí, bày bán các mặt hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Dù sức mua tăng, nhưng nguồn hàng hóa trên thị trường vẫn rất dồi dào, giá cả không có biến động mạnh.
Theo ông Đỗ Nhất Quân, số lượng hàng hóa Siêu thị Co.op Mart Kon Tum dự trữ cho đợt dịch bệnh này tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa … Đơn vị cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với giá cả bình ổn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong trường hợp nếu thị trường có đột biến, tổng kho của hệ thống Saigon Co.op sẽ điều tiết, đưa hàng về nên không có chuyện thiếu hàng. Ngoài ra, để hạn chế việc người dân kéo nhau đến mua sắm tại siêu thị dẫn đến việc tập trung đông người trong thời kỳ dịch bệnh, Siêu thị đã triển khai và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ mua hàng qua điện thoại với hóa đơn trên 200.000 đồng.
Ngoài việc cung cấp đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đại diện các siêu thị này cũng cho hay: Các mặt hàng đặc thù chống dịch Covid-19 như gel rửa tay, khẩu trang cũng luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng, thường xuyên có đầy đủ trên kệ hàng siêu thị và luôn sẵn sàng tăng cường. Người dân không cần lo lắng, đổ xô đi mua hàng dự trữ gây tình trạng khan hàng cục bộ, không cần thiết.
|
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho hay: Ngay sau khi nắm thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17, Sở Công thương đã làm việc với các siêu thị, các đơn vị cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trên địa bàn. Các đơn vị đều cam kết bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ người dân với giá cả ổn định. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, nguồn hàng dành cho nhu cầu tiêu dùng của người dân không hề thiếu.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng người dân cũng không nên quá hoảng sợ, hoang mang vì những thông tin chưa chính xác lan truyền trên mạng xã hội mà đổ xô đi mua sắm dẫn đến tình trạng tập trung đông người tại hệ thống siêu thị, nơi bán hàng gây ra lộn xộn, tạo nên sự “khan hiếm giả” và tác động đến tâm lý của nhiều người, ảnh hưởng đến trật tự xã hội; chưa kể việc tập trung người vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là không nên, ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và công tác phòng chống dịch bệnh, như khuyến cáo của Bộ Y tế đã chỉ ra. Sở Công thương khuyến cáo người dân không nên tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm nhiều, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng cho sinh hoạt thiết yếu của gia đình như thông thường.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả, người dân không nên hoang mang, lo lắng quá mức cần thiết mà tạo ra các “đợt sóng dư luận” lệch lạc, làm ảnh hưởng các hoạt động bình thường của xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và bị kẻ xấu lợi dụng để “tạo sóng dư luận” hòng trục lợi.
Tuy nhiên, nếu chẳng may dịch bệnh Covid-19 có xảy ra trên địa bàn tỉnh, thì tất cả mọi phương án, kịch bản ứng phó trong các tình huống đều được các cấp chính quyền và ngành chức năng tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng nên không lo hàng hóa bị thiếu hụt. Đồng thời, Sở Công thương cũng tăng cường kiểm tra, nắm bắt thị trường và làm việc với các doanh nghiệp, nhà bán lẻ để có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mọi nhà, mọi người dân đều đủ hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước và bình tĩnh trước mọi thông tin diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 là người dân đã góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm xã hội của công dân với cộng đồng. Mọi người hãy tỉnh táo, có hành động ứng xử phù hợp, chọn lọc trong thời đại bùng nổ thông tin “thật giả lẫn lộn” trên mạng xã hội hiện nay, tránh hùa theo tâm lý “hiệu ứng đám đông”.
Thiên Hương