25/05/2021 13:10
Năm 2020, Sở Giao thông vận tải đã chủ động trong việc triển khai, kiểm tra mức độ an toàn của đoạn tuyến xung yếu, công trình trọng yếu trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn, đồng thời, thường xuyên duy trì, làm tốt công tác trực bão lũ, khi xảy ra bão lũ tổ chức ngay công tác khắc phục để đảm bảo giao thông trên các tuyến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là liên tục chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 6,7,8,9, 10 gây mưa lớn kéo dài trong tháng 10/2020 nên trên các Quốc lộ 24, 14C, 40 và 40B và các tuyến đường tỉnh 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678, đường Đăk Kôi - Đăk Pxi, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Nam Quảng Nam đã sạt lở taluy dương, ta luy âm, hư hỏng cầu, cống …tại hàng trăm vị trí, gây ách tắc giao thông cục bộ. Ước tính tổng thiệt hại hơn 83 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại trên quốc lộ là hơn 10 tỷ đồng và tỉnh lộ là 73 tỷ đồng. Ngành Giao thông Vận tải đã phải rất vất vả mới có thể thông được tuyến trong thời gian sớm nhất, phục vụ đi lại của người dân.
Xác định mưa lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, sẽ tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới các công trình giao thông cũng như sự an toàn của người dân trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm 2021, ngành Giao thông vận tải đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong mọi tình huống. Sở cũng phân công phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy PCLB phụ trách các tuyến đường, tăng cường đi cơ sở đôn đốc chỉ đạo, kiểm tra và yêu cầu các đơn vị quản lý đường sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng trước mùa mưa, đảm bảo kiên cố, chống sạt, trượt…
|
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý kiểm tra, xác định những vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở trên tất cả các tuyến đường, cắm biển cảnh báo cho người dân biết đề phòng và tiến hành tập kết vật liệu tại những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Đối với các dự án đang triển khai, Sở yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường dứt điểm từng đoạn và chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến thi công, chuẩn bị sẵn máy móc, nhân lực kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi có mưa bão…Đặc biệt, Sở yêu cầu tất cả các đơn vị quản lý đường phải thực hiện nghiêm theo phương án, kế hoạch phòng chống đã được duyệt.
Cụ thể hóa chỉ đạo của Sở, các đơn vị được giao quản lý đường đã tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ và tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn. Cùng với đó, các đơn vị quản lý thường xuyên cử người đi tuần đường, kiểm tra, rà soát những vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở tiến hành cắm biển cảnh báo cho người dân biết phòng tránh…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Vỹ - Giám đốc Công ty TNHH Đăk Bình, đơn vị được giao quản lý Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 672, 678 cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa bão, chúng tôi đã xây dựng phương án chi tiết, cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên mỗi tuyến đường, chúng tôi đều cử cán bộ theo dõi và thường xuyên đi kiểm tra những điểm xung yếu, cắm hệ thống cảnh báo để người dân đề phòng. Tại các vị trí xung yếu, chúng tôi chuẩn bị sẵn thiết bị, vật tư tại các vị trí thuận lợi nhất để ứng cứu ngay khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.
“Từ cuối mùa khô, chúng tôi đã cho công nhân tiến hành cắt cỏ, phát quang, bạt lề, khơi rãnh thoát nước, vá ổ gà trên dọc các tuyến đường quản lý và tập kết vật tư, đá hộc, đồng thời có phương án huy động nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra, sớm thông tuyến, không để ách tắc giao thông kéo dài...” - ông Vỹ nói.
Theo ông Trần Kiên (Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải), đến nay, qua kiểm tra, tất cả các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng phương án ứng phó với bão lũ chi tiết; vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực cũng đã được các đơn vị chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Sở cũng xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường và chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng và đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố.
Mùa mưa bão đang đến gần, vì vậy sự chủ động ứng phó sẽ hạn chế được những thiệt hại về người và của, khắc phục nhanh sự cố sạt lở, tắc đường khi có mưa bão xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Phúc Nguyên