Đảm bảo cung ứng hàng Tết: ​Chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn

04/12/2018 17:14

​Nhằm đảm bảo hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, tỉnh ta đã triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường; trong đó, chú trọng đến việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và điều tiết, bình ổn thị trường.

Theo Sở Công thương, thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán năm 2019 tăng, do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng, hàng tươi sống... Dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên khoảng 15-20% so với tháng bình thường trong năm.

Để đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường; Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hoá Tết gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một trong những nhiệm vụ được chú trọng thực hiện đó là việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn gắn với chương trình bình ổn giá để phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn luôn thu hút sự quan tâm của người dân

 

Năm nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị là Công ty CP Thương mại tổng hợp Kon Tum, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Anh Thi, Siêu thị Vin Mart, Siêu thị Co.op Mart tham gia chương trình này.

Theo kế hoạch, ngoài việc triển khai bán hàng tại các điểm cố định trên địa bàn tỉnh, vào đợt giáp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp này sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đến các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Năm nay, tổng lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp cam kết dự trữ ước tính trị giá khoảng 103,4 tỷ đồng. Toàn bộ là các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, nước tương, muối, bột ngọt, hạt nêm, mì tôm, bánh kẹo, sữa các loại, mứt tết; gạo, nếp các loại; trứng gia cầm; thịt heo, thịt bò; rau, củ, quả các loại; thực phẩm chế biến... và là hàng Việt Nam có chất lượng.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã đăng ký dự trữ khoảng 8.000 túi gạo, nếp các loại; 4.000 vỉ trứng gia cầm; 18 tấn rau, củ, quả; 7,4 tấn thịt heo, thịt bò; 5 tấn đường; 5.000 hộp mứt tết; 50.161 thùng sữa các loại; 710.610 chai dầu ăn; 33.342 hộp bánh; 10.410 gói kẹo;  847.390 thùng nước giải khát các loại...

Toàn bộ hàng hoá đều được các doanh nghiệp cam kết đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán các mặt hàng trong chương trình ổn định trước, trong, sau tết với mức giá thấp hơn ít nhất  là 5% so với thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng và thực hiện trong suốt thời gian của chương trình bình ổn.

Trong các đợt đưa hàng Việt về nông thôn cùng với việc bán hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi như tặng quà, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm...

Thực tế cho thấy, sau 9 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người tiêu dùng ở các địa phương trong tỉnh tin tưởng và ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa nhãn hiệu Việt ngày càng tăng lên. Với giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, chất lượng bảo đảm, nhiều mặt hàng Việt dần khẳng định uy tín, thương hiệu, làm chủ thị trường tiêu dùng trong nước như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm…

Các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta tích cực đưa hàng Việt tới các vùng nông thôn, nhất là những vùng sâu, vùng xa giúp cho hàng Việt “phủ sóng” rộng rãi. Nhờ đó, người dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng tiếp cận được với nguồn hàng Việt phong phú, đa dạng, dồi dào, chất lượng.

Hàng Việt khi đến với người dân nông thôn cũng luôn được đón nhận rất nhiệt tình. Do đó, vào dịp Tết, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao thì việc triển khai lồng ghép chương trình bình ổn giá với việc đưa hàng Việt về nông thôn là giải pháp hữu hiệu để người dân các vùng quê được tiếp cận với các mặt hàng Việt Nam có chất lượng, giá thành hợp lý.

Siêu thị Co.op Mart tham gia chương trình bình ổn giá với nhiều mặt hàng trái cây, lương thực, thực phẩm tươi sống

 

Không những thế, việc đảm bảo cung cấp hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết còn góp phần điều tiết, ổn định giá cả thị trường, tránh tình trạng tiểu thương tự ý nâng giá, ép giá; kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn kết hợp chương trình bình ổn giá thực sự có  ý nghĩa với cả người dân, doanh nghiệp và mục tiêu ổn định thị trường trong dịp Tết của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa cùng với việc tăng cường quản lý về chất lượng, giá cả để mang lại lợi ích thiết thực và tạo niềm tin cho người dân; cổ vũ các doanh nghiệp tham gia...

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chuyên mục khác