18/06/2019 06:07
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn để dự trữ một số hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm khô, nước uống, xăng dầu… tại kho, vừa để phục vụ kinh doanh, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có thiên tai, lụt bão xảy ra. Đồng thời, phối hợp với các địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu vực thường xảy ra mưa lũ, có nguy cơ bị cô lập để có kế hoạch ứng phó, dự trữ và cung ứng hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Sở Công thương cũng đã tiến hành xây dựng những tình huống giả định để chủ động phương án bốc xếp, điều động xe vận chuyển hàng hóa đến các nơi khi cần thiết.
Hiện toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp, nhà phân phối đăng ký dự trữ và cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão năm nay với hàng trăm mặt hàng thiết yếu. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực được các đơn vị dự trữ với số lượng lớn như gạo có khoảng 500 tấn, muối khoảng 3,7 tấn, nước mắm gần 24.000 lít, mì tôm gần 57.100 thùng, dầu ăn hơn 73.200 chai, xăng dầu trên 1.800m3, nước uống hơn 14.300 thùng…
Đến thời điểm này, về cơ bản, hầu hết doanh nghiệp, nhà phân phối đều tổ chức rất tốt việc dự trữ và phân phối hàng hóa cũng như chủ động kiểm soát giá cả trong mùa mưa bão. Các doanh nghiệp chuẩn bị phương tiện vận chuyển để khi có tình huống xảy ra chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa. Tiêu biểu như Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, Siêu thị Co.op Mart, Công ty CP Thương mại tổng hợp Kon Tum, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Anh Thi, Đại lý gạo Hoa Cao…
|
Các đại lý, cửa hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu vực thuộc vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt cục bộ, dài ngày cũng đã tăng nguồn hàng dự trữ tại chỗ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi điều kiện thời tiết, không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa thiết yếu.
Như Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum (thuộc Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên), để chuẩn bị cho mùa mưa bão, doanh nghiệp này đã dự trữ khoảng 1.700m3 xăng, dầu.
“Đến thời hiện tại, toàn bộ lượng hàng dự trữ đã được Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum chuẩn bị sẵn sàng tại 27 cửa hàng trên toàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn yêu cầu các cửa hàng trực thuộc chấp hành nghiêm việc bán đúng giá niêm yết cũng như chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, máy phát điện phòng khi mất điện; hoặc dùng bơm tay, thùng nhựa… để bán xăng dầu cho người dân khi có nhu cầu; không để xảy ra tình trạng mất ổn định thị trường xăng dầu trong mùa mưa bão” - ông Võ Duy Tuấn – Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum chia sẻ.
Không chỉ có các doanh nghiệp, đại lý mà các địa phương cũng đã vận động, kêu gọi mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, xã chủ động dự trữ một lượng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng cho thời gian tối thiểu từ 1-2 tuần lễ.
Bên cạnh nhiệm vụ chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối tăng cường quản lý về mặt giá cả; các cửa hàng, đại lý chấp hành việc bán hàng hóa đúng giá quy định, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá và gây khó khăn cho người dân vùng thiên tai, mưa lũ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh về tổ chức dự trữ hàng hóa phục vụ mùa mưa lũ; có phương án kiểm soát hàng hóa khi xảy ra ách tắc giao thông; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hóa tại các địa bàn thường xảy ra lũ lụt.
Phòng kinh tế, kinh tế và hạ tầng các huyện, thành phố luôn bám sát cơ sở, nắm tình hình thị trường, có phương án thông báo nhanh tình hình để các đơn vị cung ứng hàng hóa có biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết…
Việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa hàng năm đã giúp tỉnh ta chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu, kịp thời phân phối về các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai. Chính điều này giúp ổn định thị trường, không gây ra xáo trộn làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Thiên Hương