Đảm bảo cho mùa trồng cây ăn quả

02/05/2022 13:21

Năm 2022, tỉnh ta có kế hoạch trồng mới 3.000ha cây ăn quả. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời điểm này, các địa phương đang tích cực triển khai các phần việc để chuẩn bị xuống giống trồng vụ mới, góp phần mở rộng diện tích cây ăn quả của tỉnh.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phân khai việc thực hiện các chỉ tiêu trồng mới cây ăn quả năm 2022 đến từng xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tổng diện tích cây ăn quả mà các huyện, thành phố trên địa bàn đã giao cho các địa phương cơ sở thực hiện trồng mới là 3.011,7ha, vượt 11,7ha chỉ tiêu tỉnh giao. Các địa phương có diện tích đăng ký trồng mới nhiều là huyện Sa Thầy (400ha), huyện Kon Rẫy (380ha), thành phố Kon Tum (350ha), huyện Kon Plông (350ha), huyện Đăk Hà (350ha)... Nhiều xã, thị trấn đã phân bổ đến từng tổ chức, cá nhân và từng loại cây ăn quả cụ thể.

Những năm gần đây, với sự định hướng của ngành Nông nghiệp và các địa phương, người dân đã tích cực lựa chọn những loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có tiềm năng, lợi thế của từng vùng để trồng chứ không trồng dàn trải như trước đây. Trong đó, tập trung vào một số cây ăn quả chính như: Bơ, sầu riêng, mít, cây có múi (cam, chanh và bưởi), chuối, chanh dây…Năm nay, các loại cây ăn quả này tiếp tục được lựa chọn trồng nhiều như bơ khoảng 107ha, mít khoảng 133ha, cây có múi là 155,5ha, xoài là 61,5ha...

 Nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Ảnh: T.H

 

Để đảm bảo nguồn cây giống phục vụ cho vụ trồng mới, ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành hướng dẫn các địa phương thanh tra, kiểm tra, rà soát, thống kê năng lực sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả của các cơ sở trên địa bàn tỉnh để xác định được số lượng, loại cây giống cung ứng ra thị trường. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ để định hướng kịp thời cho các cơ sở sản xuất, vườn ươm.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả tập trung nhiều tại thành phố Kon Tum và một số huyện như Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy. Hiện nay, các cơ sở này đang tích cực chuẩn bị nguồn cây giống để xuất vườn phục vụ nhu cầu trồng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, nguồn giống cây ăn quả do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn sản xuất được khá hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu cây giống của người dân, còn khoảng 70% phải nhập từ ngoài tỉnh về trồng. Các loại cây giống sản xuất được trong tỉnh như: chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, bơ Boot, xoài cát Hòa Lộc, quýt ngọt, cam sành… Một số cơ sở chủ yếu nhập hàng từ các tỉnh như Bến Tre, Gia Lai. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân đã tự liên hệ với các cơ sở sản xuất cây giống có uy tín của Viện WASI để cung ứng.

Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng cho người dân.

Riêng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh dự kiến xây dựng mô hình thâm canh cây mít Thái với quy mô 10ha, mô hình trồng chuối nuôi cấy mô với quy mô 3ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự kiến tổ chức 23 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap cho các hợp tác xã và người dân.

Cùng với việc triển khai chương trình trồng cây ăn quả của năm 2022, các địa phương cũng đang tiếp tục rà soát các diện tích cây bời lời, mì, lúa rẫy năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém; cao su và cà phê hết chu kỳ kinh doanh… để đưa vào kế hoạch thực hiện trồng mới cây ăn quả ở những nơi có điều kiện.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, đa phần người dân tại một số địa phương vẫn sản xuất cây ăn quả theo kiểu “tự phát, phong trào”, sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ”, việc liên kết, tiêu thụ còn nhiều hạn chế.

Do đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cùng với việc mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các huyện, thành phố triển khai xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xúc tiến thương mại. Hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả bền vững, phát huy vai trò “trụ cột - hạt nhân” trong việc xây dựng các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả . Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp về phát triển cây ăn quả với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty DOVECO Gia Lai, Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Charm Group,… trên địa bàn tỉnh

Với sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, tin tưởng rằng, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, từng bước mở rộng diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thiên Hương

Chuyên mục khác