Đảm bảo an toàn thực phẩm bắt đầu từ vùng nguyên liệu

17/06/2023 13:12

Để người tiêu dùng được tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm thì yếu tố quan trọng hàng đầu là phải có vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn.

Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn được ngành Nông nghiệp triển khai gắn với quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các nội dung trọng tâm là hình thành vùng sản xuất lớn, đưa giống mới có chất lượng cao vào canh tác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đến nay, toàn tỉnh có 16.192,92ha cây trồng đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Đặc biệt, có 27 tổ chức, cá nhân áp dụng chương trình quản lý tiên tiến trong sản xuất nông sản với tổng diện tích 610,5 ha. Các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng VietGAP- Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, hữu cơ, Global GAP- Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu, UTZ-Phát triển cà phê bền vững, Fairtrade Certificate- Tiêu chuẩn Thương mại công bằng.Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate.

Việc xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa của xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum giúp tạo dựng thương hiệu gạo Đoàn Kết. Ảnh: T.H

 

Ngoài ra, toàn tỉnh đang duy trì 34 chuỗi liên kết trong hoạt động chăn nuôi và 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cùng với ngành Nông nghiệp, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Đồng thời, tiến hành triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học-công nghệ để lựa chọn ra những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phương thức sản xuất phù hợp điều kiện, khả năng của người để chuyển giao, hướng dẫn thực hành.

Chẳng hạn, thành phố Kon Tum chú trọng xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” đối với một số loại cây trồng như cây rau, lúa, cây ăn trái để đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những vùng sản xuất nông sản chất lượng, an toàn. Hiện, trên địa bàn thành phố có một số “cánh đồng lớn” tiêu biểu như: Cánh đồng sản xuất mía tại phường Nguyễn Trãi và tại xã Ngok Bay với diện tích 85ha, cánh đồng sản xuất cà phê tại xã Ia Chim với diện tích 220ha; cánh đồng lớn trồng cây ăn quả tại xã Ia Chim với diện tích là 210,3ha; cánh đồng sản xuất lúa với diện tích là 120 ha tại xã Đoàn Kết.

Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ mà nguồn “thực phẩm sạch” được sản xuất trên địa bàn thành phố Kon Tum khá dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên thị trường. Các thực phẩm an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố đang được liên kết tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các bếp ăn bán trú trường học, các siêu thị trên địa bàn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn với giá cả hợp lý mà còn giúp người sản xuất có thu nhập cao hơn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Huyện Kon Plông là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Kon Plông có 41 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, áp dụng thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với các sản phẩm chủ yếu như rau, củ, quả và các loại cây ăn trái. Với chất lượng tốt, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh mà còn được nhập vào hệ thống siêu thị, nhà hàng tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với giá thành tương đối ổn định.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng. Ảnh: TH

 

Hay như huyện Sa Thầy, để cung ứng nguồn nông sản an toàn cho người dân trên địa bàn, chính quyền địa phương triển khai quy hoạch 3,9ha vùng sản xuất rau quả an toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 135 hộ ký cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất rau an toàn cho người dùng.  Qua đó, các hộ trồng rau được cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thu hoạch. Các cơ quan chức năng kiểm tra các điều kiện cơ bản về đất, nước và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Đồng thời, duy trì khu vực bán rau an toàn tại Trung tâm thương mại huyện Sa Thầy. Vì vậy, nhiều năm nay, sản phẩm rau củ an toàn của địa phương được tiêu thụ ổn định, giúp cải thiện thu nhập cho người trồng.

Việc phát triển vùng sản xuất nguyên liệu nông sản an toàn góp phần quan trọng trong công tác chế biến, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 188 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP được sản xuất từ vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Việc đẩy mạnh xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, an toàn sẽ từng bước làm thay đổi tập quán, tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp, người sản xuất không chỉ chạy theo số lượng mà cần nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó, hạn chế bấp bênh trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác