Đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trước động đất

30/07/2022 06:03

Thời gian qua, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận liên tục xảy ra các vụ động đất và có chiều hướng tăng dần về tần suất cũng như cường độ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình thủy điện và ổn định cuộc sống người dân.
Viện Vật lý địa cầu thông tin về tình hình động đất ở huyện Kon Plông tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng với UBND tỉnh. Ảnh: TH

 

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong khoảng một năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 196 trận động đất nhỏ, cao gấp 5 lần tổng số các trận động đất ghi nhận được trong khoảng 100 năm trước. Đặc biệt là từ đầu tháng 4/2022 đến nay, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận, động đất xảy ra thường xuyên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, đây là hiện tượng động đất kích thích do hoạt động của hồ chứa thủy điện. Khu vực xảy ra động đất vừa qua nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động, chạy từ Lào, qua A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn, trên vành đai núi lửa từng hoạt động từ nhiều triệu năm. Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hiện tượng rung chấn xảy ra tại hồ thủy điện Đăk Đrinh trong thời gian qua là động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa tích nước. Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường sau khi ngăn đập, tích nước hồ thủy điện và đang có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiểm tra tình hình thực tế tại huyện Kon Plông. Ảnh: TH

 

Vừa qua, sau khi kiểm tra tình hình thực tế về ảnh hưởng của động đất tới công trình xây dựng tại huyện Kon Plông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kết luận, cho đến ngày 26/4/2022, cường độ động đất tại huyện Kon Plông chưa đến mức độ nghiêm trọng và chưa gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Qua theo dõi từ ngày 26/4- 6/7/2022, các vụ động đất xảy ra chưa gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng- ông Lê Như Nhất chia sẻ.

Nhằm theo dõi, kịp thời ghi nhận và cảnh báo động đất trên địa bàn, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã thuê Viện Vật lý địa cầu lắp 3 trạm đo địa chấn xung quanh vùng xảy ra động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum. Kết quả cho thấy, từ khi động đất xảy ra đến nay thì trận động đất lớn nhất có cường độ 4,5 độ Richter, xảy ra vào ngày 18/4/2022. Theo cảnh báo của Viện Vật lý địa cầu thì trừ trận động đất lớn nhất có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1, các trận còn lại đều có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tuy nhiên, trước tình trạng động đất xảy ra liên tiếp, để bảo vệ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh và nhân dân quanh vùng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương tăng cường theo dõi, đánh giá cụ thể tâm chấn, dư chấn động đất để có những nhận định, đưa ra những giải pháp khuyến cáo chính xác cho người dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang.

Sở Công thương yêu cầu các đơn vị quản lý hồ đập, công trình thủy điện, các đơn vị quản lý truyền tải, phân phối, vận hành lưới điện trên địa bàn huyện Kon Plông nói riêng và toàn tỉnh nói chung tăng cường theo dõi dư chấn động đất để có giải pháp vận hành, ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn.

Theo ông Lê Như Nhất, qua theo dõi và báo cáo rà soát của các đơn vị chủ quản các công trình hồ chứa thủy điện, đối với công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh, trong bước khảo sát đánh giá về mức độ ảnh hưởng đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành tính toán, thiết kế đảm bảo chịu tác động của động đất đến cấp VII. Do đó, có thể khẳng định đập, công trình thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh an toàn với động đất ứng với cấp VII.

Hiện tại, các đơn vị đã ký hợp đồng với Viện Vật lý địa cầu triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc bổ sung tại 5 vị trí, trong đó có 3 vị trí tại thủy điện Thượng Kon Tum, 2 vị trí tại thủy điện Đăk Đrinh theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu và chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh để có số liệu đánh giá kịp thời, chuẩn xác phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động của động đất và xây dựng phương án vận hành an toàn công trình.

“Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ trong thiết kế đã xác định ảnh hưởng tác động của thiên tai, động đất và Sở Công thương đã đề nghị các đơn vị rà soát, bổ sung thêm tình huống động đất vào phương án ứng phó thiên tai nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất. Đối với công trình lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã rà soát những vị trí xung yếu của công trình để kịp thời tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn, kịp thời cung cấp điện khi có thiên tai, động đất xảy ra”- ông Lê Như Nhất khẳng định.

Có thể nói, đến thời điểm này, các vụ động đất xảy ra tại địa bàn huyện Kôn Plông chưa gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng và tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi có động đất xảy ra, hiện nay, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi và tổ chức Hội thảo chuyên đề để có đánh giá chính xác, thông tin đầy đủ về động đất tại khu vực này.

Thiên Hương

Chuyên mục khác