Đăk Tô xây dựng cánh đồng lớn

09/01/2021 13:04

Với cách làm sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền vận động, Đăk Tô đã và đang triển khai thực hiện khá hiệu quả chương trình đột phá trong nông nghiệp về xây dựng cánh đồng lớn.

Những năm trước đây, thực hiện chương trình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là việc thực hiện chủ trương dồn đổi ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, trên địa bàn huyện Đăk Tô mới chỉ có cánh đồng mía tại xã Ngọc Tụ với 12,7ha đạt được tiêu chí về cánh đồng lớn. Còn các xã khác gặp khó khăn trong quá trình triển khai bởi người dân chưa hiểu, cùng với tâm lý sợ mất đất nên còn e dè.

Trước tình hình đó, năm 2020, huyện Đăk Tô đã thay đổi cách làm và cách tiếp cận với người dân, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Trước tiên, huyện Đăk Tô định hướng, tiến hành quy hoạch theo vùng sản xuất với những lợi thế, thế mạnh từng địa phương, khu vực, đồng thời đưa ra định hướng, phát triển loại cây trồng phù hợp.

Vì vậy, vụ mùa năm 2020, UBND 7 xã Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngọc Tụ, Đăk Trăm, Văn Lem và thị trấn Đăk Tô đã ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí chính sách hỗ trợ để bảo vệ phát triển đất trồng lúa xây dựng mô hình cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa nước. Cánh đồng này sử dụng giống đạt chuẩn, áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gạo.

Cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Đăk Trăm. Ảnh: V.P

 

Ông Tưởng Văn Khanh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: Để đạt tiêu chí cánh đồng lớn thì đầu tiên huyện quy hoạch vùng sản xuất, định hướng xây dựng một loại cây trồng chính theo từng xã. Bên cạnh đó, thực hiện dồn đổi trên hiện trạng cây trồng mà người dân đã trồng và vận động người dân dần dần chuyển đổi sang trồng cùng một loại ở vùng đó. Như vậy, vừa đảm bảo cây trồng được tập trung và đảm bảo đạt tiêu chí về cánh đồng lớn. Hơn nữa, điều đó sẽ thuận lợi về sau nếu đủ điều kiện sẽ cấp mã số vùng trồng.

Đơn cử như hiện nay thực hiện chủ trương về phát triển cây mắc ca, huyện đang định hướng quy hoạch trước về vùng trồng sau đó tiến hành vận động người dân chuyển đổi sang dần. Hay như ở vùng sản xuất lúa ở các xã Diên Bình, Đăk Trăm, thị trấn Đăk Tô, Kon Đào, trước đây, hộ dân tự chọn giống lúa ưa thích nên không thể xây dựng thành cánh đồng lớn, nhưng giờ đây, Đăk Tô vận động người dân trên cùng một diện tích triển khai trồng một loại giống cây trồng sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn, nâng cao gía trị sản phẩm...

Cũng theo ông Khanh, hiện huyện đang thay đổi cách tiếp cận với người dân theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Trước đây, chính quyền thường tổ chức tuyên truyền để người dân đăng ký nhu cầu trồng loại cây con gì. Giờ thì chúng tôi vận động người dân đăng ký theo định hướng của huyện về từng vùng cây trồng. Những trường hợp thực hiện theo chủ trương, định hướng sẽ hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để phát triển sản xuất, đồng thời Nhà nước cam kết tìm nhà thu mua để đầu ra sản phẩm ổn định... Điều đó làm cho người dân thấy rõ sự quan tâm của Nhà nước và lại thấy lợi về sự ổn định đầu ra cho sản phẩm nên đã đồng tình, ủng hộ.  

Chính vì vậy mà đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Tô đã hình thành được 6 cánh đồng đạt tiêu chí về diện tích cánh đồng lớn theo quy định. Đó là cánh đồng mía đường ở xã Ngọc Tụ với diện tích 12,7 ha và 5 cánh đồng chuyên sản xuất lúa nước tại các xã Diên Bình, Ngọc Tụ, Kon Đào, Đăk Trăm và thị trấn Đăk Tô. Diện  tích mỗi cánh đồng đều đạt trên 5 ha, trong đó cánh đồng lúa (Nếp cái hoa vàng, có 5,26ha) ở xã Ngọc Tụ được sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap và sản phẩm Nếp cái hoa vàng được Hội đồng đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP cấp huyện xếp hạng 4 sao trong tháng 11/2020.

Tìm hiểu thực tế tại địa bàn xã Đăk Trăm - là một trong 5 xã có cánh đồng đạt tiêu chuẩn cánh đồng lớn của huyện Đăk Tô. Đó là cánh đồng lúa rộng hơn 5ha của người dân 2 thôn Đăk Rò và Đăk Đring. Mỗi thôn có khoảng 70 hộ tham gia sản xuất tại cánh đồng này. Giống lúa được người dân sử dụng tại cánh đồng này là giống lúa Hương Thơm.

Theo ông Trương Đình Tuệ-Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, trước đây tại cánh đồng này, người dân trồng đủ các loại giống lúa khác nhau, tùy theo sở thích của từng hộ nên không đủ tiêu chuẩn của cánh đồng lớn. Hơn nữa, những giống lúa này người dân tự mua về trồng và không được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất đạt thấp.

“Kể từ khi có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, ngoài việc xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng giống lúa Hương Thơm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chúng tôi còn tranh thủ những già làng, thôn trưởng, người có uy tín vận động người dân làm theo chủ trương, định hướng của huyện. Nhờ vậy, người dân đã đồng tình ủng hộ và đồng loạt chuyển sang trồng cùng một giống lúa trên cùng một cánh đồng. Qua thu hoạch, giống lúa mới cho năng suất cao hơn từ 5-6 tạ/ha so với giống lúa trước kia của bà con trồng. Vì vậy, bà con rất mừng và ủng hộ chủ trương xây dựng cánh đồng lớn.” - ông Tuệ cho hay.

Thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục duy trì việc sản xuất tại các cánh đồng lớn và tiếp tục định hướng phát triển sản xuất cánh đồng lớn ở các xã còn lại với các loại cây trồng phù hợp với địa phương, vừa góp phần thực hiện tốt chương trình đột phá trong sản xuất nông nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất của sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Hà Nam

Chuyên mục khác