Đăk Tô: Từng bước giảm nghèo nhờ mô hình hỗ trợ sản xuất

09/03/2023 06:22

Xác định việc hỗ trợ sản xuất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, thời gian qua, huyện Đăk Tô hết sức chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất. Các mô hình đã giúp cho các hộ dân còn khó khăn biết cách làm ăn, quản lý chi tiêu, từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Những năm qua, người dân ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) được hỗ trợ 5 mô hình sản xuất (3 mô hình trồng và chăm sóc cà phê, 1 mô hình trồng và chăm sóc cao su, 1 mô hình nuôi heo sọc dưa). Ông A Tuấn (thôn Đăk Rô Gia)  được tham gia mô hình trồng cà phê vối cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng mì. Năm 2018, khi được cán bộ chọn tham gia mô hình, được tham gia các lớp đào tạo nghề chăm sóc cà phê vối, hỗ trợ cây giống, hỗ trợ hạt giống cây muồng hoa vàng để trồng chắn gió, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, còn có cán bộ kỹ thật theo dõi, hướng dẫn, gia đình đã chuyển gần 1ha sang trồng cà phê vối. Đến nay, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu cao hơn trước.

Cũng như ông A Tuấn  sau gần 6 năm, các hộ nghèo ở Đăk Trăm được hỗ trợ tham gia mô hình trồng cà phê vối đều tiếp tục duy trì và phát triển. Trên diện tích 13,2 ha của mô hình, bà con đã có thu hoạch 3 năm nay, có thêm nguồn thu để cải thiện cuộc sống.

Nông dân Đăk Tô tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ảnh: H.N

 

Theo Trương Đình Tuệ- Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, nhìn chung các mô hình hỗ trợ sản xuất cho người dân trên địa bàn xã phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt là mô hình hỗ trợ các hộ nghèo của xã trồng cà phê vối đã giúp bà con thay đổi cách làm, biết chăm sóc loại cây trồng mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Cũng như ở xã Đăk Trăm, những năm qua, nhiều hộ gia đình khó khăn ở các xã, thị trấn của huyện Đăk Tô đã được tham gia các mô hình hỗ trợ sản xuất. Theo thống kê của UBND huyện Đăk Tô, từ năm 2018 đến cuối năm 2022, huyện Đăk Tô đã triển khai 60 dự án hỗ trợ sản xuất, trong đó có 48 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vền vững với tổng kinh phí hỗ trợ 9.592,1 triệu đồng; 12 dự án, mô hình khuyến nông do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thực hiện với tổng kinh phí hỗ trợ 4.307 triệu đồng, tập trung vào hỗ trợ trồng cây cà phê vối, nuôi heo sọc dưa, nuôi bò sinh sản.

Ông Tưởng Văn Khanh- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, một số dự án triển khai từ năm 2018 bước đầu đạt kết quả, góp phần tăng năng suất, đem lại thu nhập, ổn định cho người dân như: dự án trồng cà phê vối ở xã Đăk Trăm; dự án nuôi bò ở các xã Diên Bình, Văn Lem, Tân Cảnh; dựa án cải tạo vườn tạp ở xã Diên Bình; mô hình trồng giống lúa mới ở xã Kon Đào. Còn một số mô hình triển khai các năm 2019, 2020, 2022 đang phát triển tốt, tuy nhiên phải sau chu kỳ 3 năm đủ điều kiện đánh giá kết quả giảm nghèo nên chưa thống kê được số hộ thoát nghèo từ tham gia các mô hình cụ thể.

Người dân tích cực phát triển sản xuất. Ảnh: HN

 

Thông qua các dự án đã giúp các hộ dân có nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, qua thống kê có 200 lượt hộ có thu nhập tăng từ 15-20%, trong đó có 123 hộ nghèo, 51 hộ cận nghèo đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Không chỉ có thêm nguồn thu, theo đánh giá của HĐND huyện Đăk Tô qua giám sát tình hình thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các hộ tham gia mô hình còn được học hỏi nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt thông qua hình thức thu hồi vốn sau đầu tư (đến nay các xã, thị trấn đã thu hồi được 514 triệu đồng, đạt 29,8%  kế hoạch) và tiến hành luân chuyển vốn cho người nghèo khác đã phần nào khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước của một số hộ nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì một số mô hình, dự án ở một số địa phương chưa mang lại hiệu quả như: mô hình nuôi heo sọc dưa ở các xã, mô hình nuôi bò ở Đăk Rơ Nga, Pô Kô  không phát triển được đàn, mô hình mì giống mới  KM95-5 năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh khảm lá…

Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất để giúp người ngèo thoát nghèo, thời gian tới, huyện Đăk Tô tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ nghèo dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động, biết áp dụng các quy trình sản xuất đã được hướng dẫn một cách hiệu quả và cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn khắc phục, xử lý các thiệt hại, rủi ro. 

Hà Nam

Chuyên mục khác click to expand contents 

loading