Đăk Tô: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

06/01/2024 13:19

Xác định thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, huyện Đăk Tô đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung cho cả giai đoạn và theo từng năm. Với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ các dự án, mô hình đã tạo động lực thúc đẩy nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo.

Năm 2023, huyện Đăk Tô được giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện chương trình là 8.139 triệu đồng và ngân sách năm 2022 chưa thực hiện chuyển sang là 3.219,80 triệu đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án. Nhằm tạo điều kiện để cho người dân được hỗ trợ sinh kế và tiếp cận các dịch vụ cơ bản, từ nguồn vốn được giao, huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn lựa chọn đối tượng, lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương.  Trong đó, huyện đã triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho người dân qua việc hỗ trợ 46 cặp bò sinh sản và vật tư xây dựng thiết yếu để xây dựng chuồng trại cho 46 hộ với tổng kinh phí 2.308,864 triệu đồng; hỗ trợ 9 dự án cho 252 hộ (221 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo) để triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca tập trung và hỗ trợ tại cộng đồng với tổng kinh phí 7.489,157 triệu đồng.

Cây mắc ca đang được người dân xã Đăk Rơ Nga phát triển để giảm nghèo bền vững. Ảnh: PN

 

Với thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, trong quá trình triển khai hỗ trợ sản xuất, huyện tập trung các dự án hỗ trợ bò sinh sản. Từ nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang, huyện đã thực hiện 8 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản với 21 hộ tham gia với kinh phí 941,486 triệu đồng; đối với kinh phí năm 2023 đã thực hiện 9 dự án với 50 hộ tham gia với tổng kinh phí 2.519,619 triệu đồng. Qua khảo sát, các dự án hỗ trợ bò sinh sản phù hợp với năng lực sản xuất của người dân nên đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cùng với hỗ trợ bò giống, người dân còn được cán bộ huyện, cán bộ xã hướng dẫn chăn nuôi có chuồng trại, các kĩ thuật chăm sóc vật nuôi nên toàn bộ số bò hỗ trợ đều phát triển tốt.

Ông A Mưih là hộ ở xã Đăk Trăm được hỗ trợ cặp bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông phấn khởi cho biết, gia đình ông rất vui khi được hỗ trợ cặp bò sinh sản. Cùng với hỗ trợ bò, gia đình còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, được hỗ trợ vật tư làm chuồng trại để nuôi nhốt. Đến nay, cặp bò sinh trưởng tốt, gia đình ai cũng mừng vì sẽ có thêm nguồn thu ổn định từ bê con sẽ được sinh sản trong năm tới.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: Cùng với được hỗ trợ bò sinh sản, nhiều hộ trên địa bàn xã còn được hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được hơn 100ha mắc ca ở các diện tích bị hoang hóa, bạc màu, thiếu nước. Nhìn chung, các mô hình hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho người dân ở xã đều phù hợp với năng lực, nhu cầu sản xuất nên đều mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thông qua các dự án, mô hình hỗ trợ đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách  làm trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nên trong năm 2023, trên địa bàn xã có hàng chục hộ thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.  

Cà phê là cây trồng được nông dân ở Đăk Tô chú trọng để thoát nghèo. Ảnh: PN

 

Cùng với việc triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế sản xuất, từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, huyện Đăk Tô đã triển khai dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững cho người dân. Trong đó, huyện chú trọng rà soát nhu cầu, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 326 học viên tham gia, trong đó có 113 học viên được đào tạo từ nguồn hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tham gia các lớp học nghề, các học viên được hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây, con là thế mạnh trên địa bàn huyện như cà phê, mắc ca, cây ăn trái, bò để áp dụng vào quá trình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo ông Sa Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện, các chính sách giảm nghèo được huyện lồng ghép triển khai đồng bộ, hiệu quả đã góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

Từ các dự án, mô hình hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chính sách, các cuộc vận động, phong trào khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các mô hình sinh kế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các hộ nghèo ở Đăk Tô được tiếp sức, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, trên địa bàn huyện còn 1.107 hộ nghèo, chiếm 8,49% so với tổng số hộ dân toàn huyện, giảm 3,34% so với cuối năm 2022; còn 737 hộ cận nghèo, chiếm 5,65% so với tổng số hộ dân toàn huyện, giảm 0,37% so với cuối năm 2022.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác