Đăk Tô: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

29/10/2023 06:25

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong 3 năm qua (2020-2023), Ban Thường vụ Huyện ủy có chuyên đề về phát triển nông nghiệp (PTNN) đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, qua đó nhằm nâng cao đời sống vật chất, tiến tới giảm nghèo bền vững cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Bí thư Huyện ủy Đăk Tô A Hơn cho biết: Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đột phá đã được Nghị quyết xác định, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó có chuyên đề về PTNN đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hoá và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.  

Ban Dân vận huyện Đăk Tô thăm mô hình trồng mía của hộ gia đình ông A Don ở xã Đăk Trăm. Ảnh: TVP

 

Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII đã ban hành Kết luận số 208-KL/HU, ngày 16/4/2021 về “Đề án tổng thể PTNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đăk Tô” (Đề án); đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện. Theo đó, UBND huyện ban hành Quyết định số 265/QĐ-UBND, ngày 2/6/2021 để thực hiện Đề án; đảng ủy các xã, thị trấn ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

Để tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 687-QĐ/HU, ngày 1/11/2022 về giám sát việc thực hiện, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện trồng được 260ha cây mắc ca, 11,7ha cây dứa, 39,5ha cây mía, 30ha cây đậu đỗ, khoảng 40ha cây dược liệu các loại. Đồng thời, tập trung thâm canh cây trồng chủ lực như: Cà phê, cao su, mì và phát triển cây trồng tiềm năng (sầu riêng, chanh dây, dược liệu, đặc sản địa phương). Đến nay, huyện hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; có 11 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao.

Đặc biệt, UBND huyện đã xây dựng cánh đồng lớn tại 4/9 xã. Cụ thể, cánh đồng cà phê 30ha tại các xã Diên Bình, Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô; cánh đồng mía 15ha tại xã Đăk Trăm. Ngoài ra, toàn huyện trồng mới được 871,8ha rừng; giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư 5 thôn thuộc xã Văn Lem quản lý, với diện tích 991,47ha. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng đến nay khoảng 47,34% (bao gồm cả diện tích các loại cây như cao su, mắc ca, bời lời trên đất nông nghiệp), đạt 95% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Bên cạnh đó, Đề án của Ban Thường vụ Huyện uỷ đề ra là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có mô hình sản xuất, chế biến cà phê sạch của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông. HTX này đã đầu tư máy bóc vỏ cà phê tươi, máy rang xay cà phê, lò sấy và hệ thống nhà bạt phơi cà phê; sản phẩm cà phê đã bán ra thị trường, được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Ban Dân vận huyện Đăk Tô thăm mô hình trồng dứa của hộ gia đình ông A Ngực ở xã Đăk Trăm. Ảnh: TVP

 

Về phát triển kinh tế tập thể, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn huyện hiện có 23 HTX nông nghiệp, với 237 thành viên; có 37 tổ hợp tác, với 506 thành viên, chủ yếu là tổ hợp tác trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, có một số HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông, HTX Minh Quân, HTX Mắc ca Nhân Hòa.

Nhìn chung, đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa thiếu nước, đất trồng sắn, đất lâm nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cà phê, cao su, cây sầu riêng, cây dược liệu, cây mắc ca và bước đầu đã hình thành vùng nông sản hàng hóa tập trung. Theo đó, trình độ tổ chức sản xuất, năng suất lao động nông nghiệp của người dân đã được tăng lên. Đa số diện tích sản xuất nông nghiệp được cơ giới hoá trong một số khâu, công đoạn. Nhiều diện tích cây trồng như: Rau, cây ăn quả, cà phê... được đầu tư hệ thống tưới chuyên dụng. Một số diện tích cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn vùng, VietGAP, hoặc hữu cơ sinh học, thực hiện liên kết sản phẩm nên sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế cao.

Nhờ đó, tính đến đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,93%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, nông-lâm-thuỷ sản chiếm 33,77%, công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%, dịch vụ chiếm 28,21%. Thu nhập bình quân đầu người được 39,5 triệu đồng, đạt 69,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Bí thư Huyện ủy A Hơn cho biết thêm: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra về kinh tế, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy “về PTNN hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương. Đồng thời, từng bước hình thành các vùng sản xuất theo lợi thế của từng vùng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, an toàn dịch bệnh; phát triển kinh tế tập thể, thực hiện có hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cho người dân học tập và làm theo.             

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác