Đăk Tô: Phát triển cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng

07/11/2019 13:02

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS, tạo thu nhập thêm cho người dân, trong năm 2019, huyện Đăk Tô đã triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng là chủ thể chính.

Anh A Kên - Thôn trưởng kiêm tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng của thôn Tê Pên, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô đã mạnh dạn thực hiện và vận động các hộ dân trong xã cùng tham gia trồng dược liệu dưới tán rừng, gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Anh A Kên cho biết: Khi có chủ trương trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng, bà con trong thôn ai cũng vui mừng thực hiện. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề trồng thêm thảo quả thì nhiều người e ngại, vì loại cây này mặc dù đã được trồng thành công ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng lại chưa được trồng tại đây. Mình và một số hộ trong thôn mạnh dạn trồng thử thì thấy loại cây này trồng cũng đơn giản, không khó, cây hiện đang phát triển rất tốt. Hy vọng mô hình này sẽ thành công để có thêm loại cây giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bà con nơi đây.

Hiện tại, đã có thêm 12 hộ dân trong xã mạnh dạn đăng ký cùng tham gia trồng thảo quả và một số loại cây dược liệu khác dưới tán rừng. Toàn xã hiện có 6 tổ cộng đồng thôn với 258 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ 1.500ha rừng, trong đó có 13 hộ tham gia trồng được 14ha cây dược liệu, chủ yếu là thảo quả dưới tán rừng.

Anh A Kên trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Ảnh: LT

 

Phát quang bụi rậm, phòng chống cháy rừng, kết hợp với chăm sóc, kiểm tra sự sinh trưởng cây thảo quả, đó là công việc mà cứ cách 2 đến 3 ngày, anh A Linh, tổ trưởng quản lý, bảo vệ rừng thôn Tê Hơ Ô (xã Văn Lem) và các hộ dân nhận khoán thực hiện. Anh A Linh cho biết thêm: Trước kia, mặc dù nhận khoán bảo vệ rừng nhưng cũng phải lâu lâu bà con mới lên rừng một lần, bữa nay trồng dược liệu dưới tán rừng rồi, bà con thường xuyên vào rừng chăm sóc dược liệu. Một công đôi việc, vừa bảo vệ rừng, vừa trồng dược liệu, có nguồn thu từ cả hai công việc này, đời sống của bà con sẽ đỡ vất vả hơn.

Trồng cây thảo quả là mô hình sinh kế phát triển dược liệu dưới tán rừng đầu tiên trên địa bàn huyện Đăk Tô, được triển khai thực hiện từ tháng 9/2019 tại xã Văn Lem, do công ty TNHH MTV Sáu Sao, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đầu tư.

Ông Vũ Đức Thư - đại diện công ty TNHH MTV Sáu Sao cho biết: Công ty sẽ hỗ trợ cho bà con cây giống, phân bón và kỹ thuật. Sau đó, Công ty sẽ mở nhà máy sơ chế tại đây, có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Công ty cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường, thấp nhất là 20.000 đồng/kg quả tươi. Chúng tôi thấy diện tích rừng ở tỉnh Kon Tum rất lớn, vì vậy, Công ty mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được tỉnh tạo điều kiện, đồng hành tạo sinh kế cho người dân phát triển dược liệu dưới tán rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, hướng tới làm giàu từ rừng.

Tùy vào địa hình của diện tích rừng được nhận giao khoán bảo vệ, người dân trong thôn bố trí trồng loại dược liệu cho phù hợp, như sâm dây, giảo cổ lam, ba kích và thảo quả.

Việc quản lý, bảo vệ rừng kết hợp với việc trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang được huyện Đăk Tô triển khai hiệu quả. Song song đó, huyện cũng đã phối hợp với cộng đồng dân cư các xã được giao quản lý bảo vệ rừng, được thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng phát triển một số lâm sản phụ dưới tán rừng như bảo tồn và phát triển cây măng le, cây đót, để xây dựng vùng nguyên liệu cho những cơ sở thu mua, chế biến và hình thành thêm sản phẩm đặc trưng của huyện như măng khô, chổi đót…

Để tạo sinh kế cho bà con sống gần rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng, hưởng lợi thêm từ rừng, trong năm 2020, huyện Đăk Tô có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm 100ha dược liệu dưới tán rừng, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ gần 19.000ha rừng, tạo nguồn thu bền vững từ rừng cho người dân trên địa bàn.  

Lâm Trà

Chuyên mục khác