26/06/2021 06:31
Từ năm 2018 -2020, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 8 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện khoảng 16.886 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 3.329 triệu đồng.
Trong các loại hình liên kết thì chủ yếu theo 2 hình thức liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong số đó, hình thức liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh nhất và đã thực hiện được 7 chuỗi liên kết. Đó là chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả chanh dây với Công ty TNHH đầu tư Thái Nông; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mì giống KM 95-5 với Nhà máy Cồn và Tinh bột sắn Đăk Tô; liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chuối xuất khẩu với Công ty Cổ phẩn KOTINOCHI; liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê vối theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận trên địa bàn xã Diên Bình, Tân Cảnh; liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại thị trấn Đăk Tô; liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả an toàn (cây mắc ca) và liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nha đam với Công ty Cổ phần KOTINOCHI.
|
Còn hình thức liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện được 1 chuỗi liên kết, đó là liên kết sản xuất-gắn với tiêu thụ sản phẩm mía đường với Công ty cổ phần Đường Kon Tum.
Ông Tưởng Văn Khanh- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô đánh giá: Nhìn chung, xu hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng được nhân dân quan tâm, tham gia và bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Mô hình liên kết giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thâm canh nhằm tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế và đang hình thành được một số cánh đồng lớn trên địa bàn huyện...
“Điều đáng mừng là mô hình liên kết đã đem lại lợi ích về mặt xã hội, góp phần thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân theo xu hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là tất yếu, ổn định đầu ra cho nông sản, thu nhập cho người dân và phát triển sản xuất theo quy hoạch, định hướng của nhà nước. Trong 8 chuỗi liên kết thì chuỗi liên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ và thương mại Rạng Đông đã có sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao năm 2019. Huyện Đăk Tô cũng tạo điều kiện cho đơn vị tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm”-ông Khanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Đông- Giám đốc HTXNNTMDV Rạng Đông cho biết: Hiện nay, HTX có 9 thành viên. HTX đang tiến hành liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được 60 ha cây cà phê ở xã Diên Bình (11 hộ, có 30 ha) và Tân Cảnh (9 hộ, 30 ha). Các hộ liên kết với HTX đều được HTX bao tiêu sản phẩm luôn cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu mua từ vài giá trở lên, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất.
Ông Dương Văn Ngọc- Giám đốc Công ty TNHH MACCA HD Kon Tum (tại huyện Đăk Tô) cho biết: Công ty hiện có 50ha mắc ca liên kết với người dân trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, huyện Đăk Tô là địa phương có diện tích nhiều nhất và hiện công ty đang giải quyết việc làm, thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng cho 20 công nhân là người tại chỗ. Đối với những hộ liên kết, công ty sẽ cam kết thu mua đầu ra, điều đó giúp người nông dân trồng mắc ca trên địa bàn yên tâm tích cực phát triển diện tích và góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca cho huyện.
Ông Tưởng Văn Khanh cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo duy trì và nhân rộng các chuỗi liên kết, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ngoài ra, chỉ đạo Tổ xúc tiến liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp huyện tích cực làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng các chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân... Đồng thời, huyện cũng chú trọng lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích cho nông dân, doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua sắm máy móc, nâng cấp dây chuyền chế biến sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm...
Phúc Nguyên