Đăk Tô: Nỗ lực phối hợp bảo vệ rừng

21/06/2017 13:31

Trước những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong những năm gần đây, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô chủ động phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, các cơ quan chức năng, chủ rừng, cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo đoàn công tác của cán bộ kiểm lâm và các lực lượng, chúng tôi có cuộc tuần tra công tác quản lý bảo vệ rừng ở xã Văn Lem (huyện Đăk Tô). Ông Nguyễn Xuân Xênh - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Văn Lem khẳng định, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân xã phối hợp với kiểm lâm, các ngành cùng các hộ dân được giao đất, giao rừng thường xuyên tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Nhờ vậy, trên địa bàn xã Văn Lem không để xảy ra vi phạm lâm luật.

Vào khu rừng thôn Đăk Xanh, xã Văn Lem được tỉnh giao cho các hộ quản lý bảo vệ theo chủ trương giao đất giao rừng, chúng tôi thấy rừng ở đây đang thực sự hồi sinh. Ông A Ma Ni - người Xê Đăng trực chốt bảo vệ rừng ở đây bộc bạch: Gia đình tôi được giao 9,5ha rừng. Kể từ khi được giao rừng, nhất là khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình cùng với các hộ được giao đất, giao rừng thành lập tổ quản lý và thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu có người lạ mang máy cưa vào rừng, dân làng sẽ cùng nhau ngăn chặn, không để khai thác rừng trái phép.

Chòi canh rừng của người dân làng Đăk Xanh. Ảnh: Đ.N

 

Không tính các thôn khác, riêng ở thôn Đăk Xanh có 10 hộ được giao đất, giao rừng. Hộ được giao nhiều là A Bin 16,5ha rừng, A Rít 15ha rừng…; thấp nhất là A Pheo cũng được 7ha rừng.

Ý thức được việc bảo vệ rừng, A Rít bảo, rừng là tài nguyên quý báu. Bà con được giao rừng và được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng đều có ý thức bảo vệ rừng. Từ khi có chính sách dịch vụ môi trường rừng, các hộ không để phá rừng làm nương rẫy và khai thác rừng trái phép. Rừng được quản lý bảo vệ và phát triển tốt.

Việc quản lý bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tiếp tục có chuyển biến đáng kể. Bàn về quản lý, ông Lê Đình Chinh - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Công ty quản lý trên 36.000ha rừng. Trong đó, Công ty giao trên 13.000ha rừng tự nhiên cho 46 cộng đồng bảo vệ, 1.300ha rừng trồng cho 420 hộ chăm sóc, bảo vệ; diện tích rừng còn lại tự quản lý, bảo vệ.

Để bảo vệ tốt tài nguyên rừng, Công ty còn tích cực phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Công ty không để xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy; kịp thời ngăn chặn và xử lý 3 vụ khai thác hơn 1,8m3 gỗ trái phép. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Vũ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản giai đoạn 2016-2020; Kết luận số 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán trái pháp luật cùng các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, các cơ quan và chủ rừng trên địa bàn huyện đồng lòng phối hợp bảo vệ rừng và kiểm soát các điểm nóng. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 12 vụ cất giữ, vận chuyển trái phép (tịch thu 46m3 gỗ các loại) và không để xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy trái phép.

Trao đổi về công tác phối hợp bảo vệ rừng, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 cho biết, ngoài việc thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, thu thập thông tin việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất trên địa bàn được phân công theo dõi, đơn vị còn tích cực phối hợp với các Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy tuần tra, ngăn chặn và xử lý 14 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 35,53m3 gỗ xẻ, 16,80m3 gỗ tròn trái phép.

“Thông qua công tác tăng cường tuần tra và phối hợp với các lực lượng ở các địa bàn phân công phụ trách bảo vệ rừng, tình hình vi phạm lâm luật ở một số địa phương, nhất là ở huyện Đăk Tô có những chuyển biến đáng kể” - ông Ngọc khẳng định.  

                                                               Đào Nguyên

Chuyên mục khác