Đăk Tô: Những thanh niên dám nghĩ, dám làm

02/05/2017 08:15

“Không được thiên nhiên ưu đãi sự màu mỡ và bạt ngàn như các địa phương khác, nhưng chúng tôi có sức trẻ, khát vọng làm giàu và tinh thần lao động cần cù để cho đất khô - bạc màu trở nên mềm xốp, mang lại cây trái tươi tốt, cho mùa bội thu” – anh A Tuân - Bí thư Huyện đoàn Đăk Tô đã nói như vậy, khi giới thiệu về 2 trong 50 gương sáng thanh niên lập nghiệp thành công trên mảnh đất cách mạng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Nguyễn Văn Mạnh với mô hình vườn – chuồng

Ở xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), chúng tôi đã gặp đoàn viên tiêu biểu Nguyễn Văn Mạnh làm kinh tế giỏi ở địa phương với thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư ban đầu cho 5ha cà phê, cao su và đàn gà thương phẩm xuất chuồng 300 con.

Mạnh cho hay, anh thuộc thế hệ 9x, những ngày còn học phổ thông, anh đã cùng em trai phụ giúp gia đình trồng hơn 10ha cây cà phê, cao su. Năm 2013, anh lập gia đình ở riêng, bố mẹ cho 5ha đất đã trồng cà phê, cao su và đang bắt đầu thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Mạnh và vườn cà phê gia đình. Ảnh: M.T

 

Không như những thanh niên khác có điều kiện thì dễ dàng thỏa mãn bản thân để hưởng thụ, ngược lại, anh đã tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí trong đầu tư sản xuất và tăng năng suất cây trồng.

Anh nói: Năm 2014 trở về trước, thông thường mỗi năm, khi tưới 2-3 đợt cho 2ha cà phê, phải chi gần 100 triệu đồng cho 4 nhân công phục vụ tưới, tiền điện, trang bị ống dây, ống dẫn, máy bơm lấy nước ở suối... Việc thực hiện công đoạn trên đôi khi người làm không định lượng chính xác nguồn nước tưới đủ cho mỗi cây, nên vẫn có tình trạng cây trồng chỗ thì thừa nước, nơi khác thì thiếu nước. Dẫn đến, vườn cà phát triển, cho hoa, kết quả không đồng đều.

Thấy hạn chế trên, anh đã quan sát, học hỏi bà con ở các địa phương khác về sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động đang phát huy hiệu quả trên cây cà phê. Sau đó, anh tự tra cứu trên internet, liên hệ đơn vị cung ứng thiết bị trên nhờ tư vấn. Và anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu này hết khoảng 60 triệu đồng.

Theo anh Mạnh, về lâu dài có thể tiết kiệm vài chục triệu đồng mỗi năm, nhưng được nhiều nhất vẫn là vườn cây đảm bảo nguồn nước thường xuyên, cho năng suất cao 12,5 tấn khô/2ha/năm. Mô hình này cũng được anh chia sẻ với nhiều bạn thanh niên khác ở thôn 5, để ứng dụng chăm sóc diện tích cà phê hiện có.

Chưa dừng ở đó, 2 năm gần đây, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, đồng thời mạnh dạn đầu tư gần 80 triệu đồng xây dựng chuồng, mua thức ăn dự trữ và trang bị cơ sở chăn thả 300 con gà.

Anh Mạnh cho hay, khó nhất của việc chăn nuôi gà, là sợ bị dịch bệnh. Thế nhưng, nhờ sự kết nối trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất thường xuyên với cán bộ thú y, kỹ sư chăn nuôi, anh đã thực hiện việc phòng và trị bệnh cho đàn gà rất kịp thời, tích cực. Trung bình 2,5 - 3 tháng, anh xuất hết số lượng gà trên, trừ chi phí ban đầu khoảng 15 triệu đồng, gia đình còn lãi 35 triệu đồng.

Mạnh còn cho hay, sắp đến, vợ chồng anh sẽ mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi chừng 1.000 con gà thương phẩm cung ứng cho thị trường tiêu thụ ở địa phương và các huyện lân cận.

Châu Văn Tam dám nghĩ, dám làm

Ở xã Diên Bình cũng có mô hình sản xuất nông nghiệp đa dạng của thanh niên Châu Văn Tam với vườn cà phê 2ha, cao su 1ha, 200 gốc tiêu, 1 máy xúc và cửa hàng sửa chữa xe mô tô tại nhà. Trung bình mỗi năm, nguồn tài sản này “đẻ” lãi cho anh gần 400 triệu đồng.

Câu chuyện làm giàu của anh Tam xuất phát năm 2011, anh mượn giấy tờ nhà của bố mẹ đang ở, thế chấp ngân hàng 700 triệu đồng để mua 100 tấn cà phê tươi dự trữ, chờ giá lên bán cho tư thương.

Tuy nhiên, năm này, giá cà phê đột nhiên rớt giá, anh buộc phải bán sớm hơn dự kiến vài tháng và thu lãi 50 triệu đồng, sau khi trừ 700 triệu đồng trả các khoản chi phí, tiền lãi và nguồn vốn vay ban đầu cho ngân hàng.

Thấy con trai cũng biết tính toán làm ăn, năm 2012, bố mẹ đã quyết giao cho anh 3ha đất trồng cà phê, cao su đang thu hoạch để làm vốn lận lưng. Một năm sau, cầm trên tay gần 100 triệu đồng, sau khi bán hết nông sản thu hoạch ở vườn nhà, anh đã quyết định mua xe máy xúc.

Cả gia đình, đến người vợ trẻ cũng can ngăn, vì anh không có bằng lái xe máy xúc. Hơn nữa, mọi người sợ anh không kham nổi công việc ở rẫy, làm sửa chữa nghề xe máy tại nhà và nay thêm máy xúc chạy phục vụ các công trình nông nghiệp, giao thông trên địa bàn huyện Đăk Tô. 

Nhưng với quyết tâm cá nhân, đầu năm 2014, anh đăng ký học lấy bằng lái xe máy xúc. Anh nói thời gian này bận túi bụi, bản thân phải ở rẫy quán xuyến, thuê thêm nhân công chăm sóc, làm cỏ cho 2ha cà phê, 1ha cao su. Vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, anh xuống thành phố Kon Tum để học lái xe máy xúc. Cửa hàng sửa chữa xe máy tạm nghỉ vài tháng.

Đến nay, nỗ lực của anh được đền bù xứng đáng, khi tự thân điều khiển xe phục vụ cho ruộng rẫy, các công trình giao thông cần chuyên chở vật liệu, đào, xúc đất… Mỗi ngày, thu nhập từ đây khoảng 1 triệu đồng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.       

Anh Châu Văn Tam và 100 gốc cây tiêu mới đang được trồng thêm cuối năm 2016. Ảnh: M.T

  

“Giữa năm 2014, tôi đã đánh bạo đầu tư thêm 200 gốc tiêu. Bố mẹ và các anh trai cũng tiếp tục can ngăn, sợ tôi quản lý không nổi. Nhưng tôi cũng nghỉ, nếu làm không xuể, người thân có thể cắt cử phụ giúp, tiền công cán cứ tính đàng hoàng. Sau đó, mọi người để tôi tự quyết” - anh Tam nói.

Anh Tam tạm tính, hiện tại, mỗi năm, tổng diện tích cây tiêu, cà phê, cao su và thêm xe máy xúc, tiệm sửa chữa xe máy tại nhà đã mang về cho gia đình khoảng 400 triệu đồng. Cuối năm 2016 vừa qua, tận dụng đất trống sau nhà của bố mẹ, anh trồng nhờ thêm 100 gốc cây tiêu đang phát triển tốt.

Nhận xét về hai thanh niên Châu Văn Tam và Nguyễn Văn Mạnh, anh A Tuân ­cho rằng, các anh là những thanh niên dám nghĩ, dám làm và đã thành công trong lao động sản xuất, xứng đáng cho nhiều lớp trẻ ở địa phương học tập.

“Chúng tôi tự hào về những đoàn viên tiêu biểu như anh Tam, anh Mạnh. Tôi và nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương mong các bạn này tiếp tục có những đột phá mới, trên con đường lập nghiệp ở phía trước” - anh Tuân nói.

Mai Trâm

Chuyên mục khác