07/10/2019 06:01
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Tô và ngành chức năng, ngày 19/9, trên địa bàn huyện xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại hộ gia đình ông Đinh Ngọc Sơn (thôn 1, xã Diên Bình) với 6 con lợn mắc bệnh. Sau đó, ngày 23/9 xuất hiện ổ dịch thứ 2 tại hộ bà Lê Thị Hồng Quyên (Khối 5, thị trấn Đăk Tô) với 8/26 con lợn mắc bệnh và đến ngày 24/9, tiếp tục xuất hiện ổ dịch thứ 3 tại gia đình ông Trần Công Định (thôn 6, xã Kon Đào) với 7/21 con lợn mắc bệnh.
Trước tình hình trên, ngày 25/9, UBND huyện Đăk Tô kịp thời ban hành Quyết định công bố dịch tại 3 xã Diên Bình, Kon Đào và thị trấn Đăk Tô. Sau đó, UBND huyện có hàng loạt văn bản chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan sang đàn lợn trên địa bàn.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, UBND huyện Đăk Tô kịp thời ban hành Công văn khẩn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra ngay tổng đàn lợn trên địa bàn; nắm tình hình dịch bệnh và hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tuyệt đối không giấu dịch; khi phát hiện có lợn ốm, lợn chết phải khai báo với ban thú y xã và chính quyền địa phương để chỉ đạo, xử lý kịp thời; không được giết thịt, bán chạy hoặc vứt xác lợn chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh; vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện công tác khử trùng tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hàng ngày bằng vôi bột hoặc các loại hóa chất…
UBND huyện Đăk Tô yêu cầu các xã chỉ đạo lực lượng công an và dân quân phối hợp với cán bộ thú y xã (thị trấn) và các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua, bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
|
Ông Nguyễn Thành Thông - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: Được sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn công bố về tình hình dịch tả lợn Châu Phi cho người dân biết; triển khai các biện pháp phun thuốc, khử trùng tiêu độc trong vùng có dịch và các vùng giáp ranh, vùng đệm để ngăn ngừa dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn tại địa bàn; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm soát chặt chẽ lợn đưa vào khu giết mổ tập trung.
“Để tránh lây lan dịch bệnh đến địa bàn khác, ngoài việc cắm biển báo nơi có dịch, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế đi ra vào vùng có dịch. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác kiểm soát địa bàn, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng dịch đối với người dân…” - ông Nguyễn Thành Thông cho hay.
Ông A Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Tô khẳng định: Chúng tôi phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch tả lợn Châu Phi, cách phát hiện các biểu hiện của bệnh và hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Trung tâm đã nhận hóa chất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về cấp cho các xã Diên Bình, Kon Đào và thị trấn Đăk Tô tổ chức phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn; đồng thời tạm ứng thêm vật tư để cấp cho các xã, thị trấn triển khai công tác phòng chống dịch.
“Đối với ổ dịch, chúng tôi hướng dẫn chủ cơ sở vệ sinh tiêu độc, khử trùng mỗi ngày 2 lần (sáng và chiều). Đối với khu vực chăn nuôi của các hộ gia đình, khu giết mổ tập trung, chợ thị trấn Đăk Tô, chúng tôi tiến hành phun ngày 1 lần để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan…” - Ông A Quang cho biết thêm.
Tìm hiểu thực tế tại địa bàn xã Diên Bình, ông Phạm Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: Sau khi phát hiện hộ đầu tiên có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ thú ý tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, cắm biển báo vùng có dịch và triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh khu vực xung quanh; cấp tài liệu phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cho các hội, đoàn thể để khi tổ chức sinh hoạt tuyên truyền cho hội viên biết cách phòng chống ngăn ngừa dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn vẫn chưa phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi nào khác.
Tại thị trấn Đăk Tô, nhờ làm tốt công tác phòng dịch nên đến nay vẫn chưa phát hiện thêm lợn mắc bệnh. Hiện tại, đàn lợn bị bệnh của hộ gia đình bà Lê Thị Hồng Quyên đã được tiêu hủy theo quy định; cán bộ thú y hướng dẫn gia đình bà Quyên triển khai tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Chính quyền thị trấn Đăk Tô triển khai việc cắm biển vùng có dịch ở 2 đầu đường và tổ chức phun thuốc phòng dịch khu vực xung quanh, vùng lân cận, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô cho biết: Cùng với việc chỉ đạo các hội đoàn thể vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, UBND thị trấn phân công cán bộ thú y, cán bộ công chức xuống cơ sở kiểm tra đàn lợn, tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi lợn thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, tuyên truyền người dân tích cực theo dõi đàn lợn, khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bệnh cần báo ngay với chính quyền biết để xử lý, không được giấu dịch hoặc tự ý giết mổ, bán chạy, vứt xác lợn mắc bệnh, chết ra môi trường…
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, toàn huyện có tổng đàn lợn hơn 7.300 con thì ở 3 xã có dịch là Kon Đào, Diên Bình, thị trấn Đăk Tô chiếm hơn 50% tổng đàn lợn toàn huyện. Tính đến ngày 2/10, trên địa bàn huyện Đăk Tô có 32 con lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu phi với trọng lượng là 1.458kg.
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Tô chưa xuất hiện thêm các ổ dịch tả lợn Châu Phi mới. Tuy nhiên, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo ngành chức năng huyện và các địa phương không được lơ là, chủ quan, tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh; đồng thời yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo ban thú y phối hợp cùng cơ sở giám sát chặt chẽ đàn lợn của chủ hộ có lợn mắc bệnh và thường xuyên kiểm tra đàn lợn trên địa bàn và hướng dẫn người dân triển khai công tác phòng bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…
Phúc Nguyên