12/11/2021 13:00
Năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Rạng Đông (khối phố 7, thị trấn Đăk Tô) có 1 sản phẩm là cà phê rang xay được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Với việc được công nhận là sản phẩm OCOP đã mở ra dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của hợp tác xã khi sản phẩm cà phê của đơn vị từng bước tạo dựng chỗ đứng và nâng cao uy tín trên thị trường. Qua đó, khẳng định hướng sản xuất an toàn, đầu tư chế biến sâu để nâng cao hơn giá trị hạt cà phê và mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người nông dân của hợp tác xã này là đúng đắn.
Anh Nguyễn Ngọc Đông - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Qua sản phẩm cà phê rang xay được công nhận OCOP, hợp tác xã đã thấy rõ được giá trị, lợi ích từ chương trình. Chúng tôi tiếp tục mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện các thủ tục để sản phẩm trái cây của đơn vị cũng được công nhận là sản phẩm OCOP. Sau khi có chứng nhận OCOP, hợp tác xã sẽ có điều kiện, cơ hội để kết nối, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại, hướng đến liên kết xuất khẩu.
|
Với 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (khối phố 7, thị trấn Đăk Tô) là đơn vị có số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhiều nhất trên địa bàn huyện Đăk Tô. Vẫn là các sản phẩm nông nghiệp phổ biến trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận như sâm dây, lạc tiên, khổ qua rừng, gạo nếp…nhưng với việc chú trọng đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng, đóng gói theo quy chuẩn; các sản phẩm của đơn vị đã trở thành sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, có giá trị cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Chị Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty chia sẻ: Ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, chúng tôi đã ý thức được việc phải hướng đến sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Năm 2018, khi chương trình OCOP được triển khai, chúng tôi đã tham gia thi, qua đó biết được sản phẩm của mình đạt được tới đâu, còn thiếu gì để từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa. Sau đó, hằng năm công ty đều cố gắng nghiên cứu, đầu tư phát triển các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn OCOP để chinh phục thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty không chỉ có mặt ở thị trường Kon Tum mà rộng khắp trong cả nước, vào được các siêu thị, nhà phân phối lớn. Đặc biệt, thời gian gần đây, sản phẩm cũng đã xuất hiện trên các kênh bán hàng trực tuyến qua mạng như Shopee, Tiki.
Có thể thấy, đạt tiêu chuẩn OCOP chính là bước tiến quan trọng để sản phẩm nông nghiệp chứng minh và khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình với người tiêu dùng, giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Vì vậy, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đang là đích đến của nhiều chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Theo thống kê của UBND huyện Đăk Tô, từ 2018 đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm của 6 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là các sản phẩm: Trà sâm dây Ngọc Linh Lâm Thịnh của Công ty CP thương mại sản xuất và dịch vụ Lâm Thịnh; cà phê rang xay đóng gói của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông; hạt mắc ca tách nứt của Công ty TNHH MAC CA HD; Cao sâm Phượng Hoàng của Hợp tác xã Phượng Hoàng Tân Cảnh; Trà gừng của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Minh Quân; Trà sâm dây Ngọc Linh DATO, khổ qua rừng phơi khô đóng gói, 1 trà khổ qua rừng, Nếp cái hoa vàng và Trà lạc tiên DATO của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện và UBND các xã, thị trấn đang tiếp tục hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đợt 2 năm 2021, qua đó, lựa chọn những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn tiếp tục tham gia thi cấp tỉnh.
Đăk Tô còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để đưa các sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn, trong chuyến kiểm tra tình hình hoạt động của một số hợp tác xã đầu tháng 11 này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị các đơn vị, chủ thể sản xuất cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Từ đó, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã và thu nhập cho người nông dân.
Thiên Hương