Đăk Tô: Hộ nghèo phát huy hiệu quả vốn vay

17/11/2016 14:02

Nhờ được “tiếp sức” từ các chương trình, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Nhà nước, trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Tô đã từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Đi cùng đoàn công tác của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đăk Tô, chúng tôi có dịp xuống thăm hộ gia đình nổi tiếng với nghị lực vươn lên trước khó khăn của hoàn cảnh - gia đình ông A Thê A ở thôn Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, ông A Thê A kể, ngày trước, gia đình ông khó khăn lắm. Nhà đông con, bản thân ông lại không may khi lao động bị nổ bom mìn khiến đôi tay, đôi chân không còn lành lặn; cặp mắt cũng bị ảnh hưởng, một bên không nhìn thấy rõ.

Đã có lúc, ông A Thê A rơi vào tâm trạng chán nản, nhưng rồi ông nghĩ lại, không buông xuôi, quyết vượt qua hoàn cảnh. Và thực tế cho thấy, những khó khăn đời thường đã không ngăn cản được nghị lực vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế gia đình của người đàn ông tật nguyền này.

Năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, ông A Thê A mua được 1 con trâu giống về nuôi. Đến năm 2013, gia đình được hỗ trợ trồng thêm 2ha cao su. Chọn hướng thoát nghèo bền vững, năm 2015, ông tiếp tục mạnh dạn vay ưu đãi thêm 30 triệu đồng mua 2 con bò phát triển chăn nuôi.

Với cách làm "lấy ngắn nuôi dài", gia đình ông A Thê A tận dụng hết diện tích đất rẫy bỏ hoang lâu nay, đất quanh bờ lô cao su, đất quanh vườn nhà trồng thêm mì, lúa, làm vườn rau... để vừa tăng thu nhập vừa cải thiện cuộc sống gia đình bên cạnh việc phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Ông A Thê A không giấu được niềm vui: Nhờ có sự “tiếp sức” của Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, gia đình tôi mới có thêm động lực và ý chí vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, gia đình tôi thu nhập bình quân mỗi năm từ 50-60 triệu đồng.

Theo tính toán của ông A Thê A, nếu sắp tới vườn cao su đi vào thu hoạch, tuy giá mủ có giảm so với trước nhưng chắc chắn cũng sẽ nâng được mức thu nhập của gia đình mỗi năm lên khoảng 100 triệu đồng.

Chị Y Lành bên rẫy cà phê. Ảnh: T.Q

 

Lập gia đình ra riêng, vợ chồng chị Y Lành ở thôn Đăk Rao Nhỏ, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) phải dựng nhà tạm để ở. Chị Y Lành kể, dù vợ chồng cật lực làm thuê làm mướn nhưng cố lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện làm nhà để “an cư lạc nghiệp”.

Năm 2010, vợ chồng Y Lành đã được địa phương xét hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 167 với trị giá 16,5 triệu đồng (8 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, 8,5 triệu đồng gia đình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội).

Để xây dựng ngôi nhà khang trang hơn, được sự vận động của chính quyền địa phương, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn từ các chương trình chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, cộng với vay mượn thêm của người thân và một ít tiền tích góp dành dụm từ việc đi làm thuê làm mướn xây dựng được căn nhà trị giá 64 triệu đồng.

Chị Y Lành vui mừng: Có được nhà ở ổn định cũng chính là nguồn động lực to lớn để gia đình tập trung sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quyết tâm thoát nghèo.

Từ chỗ chỉ trồng mì, trồng lúa rẫy, đến nay, gia đình Y Lành đã phát triển được 8 sào cà phê, 2,1ha cao su, 3 sào bời lời, hơn 2ha mì… Một số diện tích cây trồng đến nay đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cho gia đình chị hàng năm trung bình từ 80 – 90 triệu đồng.

Ông Hoàng Nguyễn Hồng Hòa – Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đăk Tô cho biết: Giai đoạn 2011 – 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tổ chức cho hơn 2.748 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng; cho 757 lượt hộ cận nghèo vay gần 24 tỷ đồng; cho 374 lượt học sinh, sinh viên vay vốn với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng.

Mức vay bình quân dành cho hộ nghèo là 23 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo là 35 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận đến 98% số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn.

“Trên cơ sở vốn vay, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập bình quân cho các hộ gia đình lên 17 triệu đồng/người/năm. Qua 5 năm triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đã giúp cho gần 1.480 hộ gia đình thoát nghèo, trong đó có 983 hộ gia đình là người đồng bào DTTS.” - ông Hòa cho hay.

Ông Hòa cho biết thêm, để triển khai chính sách vay vốn ưu đãi mang lại hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn theo đúng đối tượng, Phòng LĐ-TB&XH còn phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác định hướng, hướng dẫn cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, đặc biệt là lựa chọn để xây dựng các mô hình kinh tế.

Nhờ triển khai chặt chẽ các bước, qua rà soát, theo dõi, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tú Quyên

Chuyên mục khác