Đăk Tô: Hiệu quả từ các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

18/09/2019 06:01

Những năm gần đây, huyện Đăk Tô triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân rộng. Qua đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, cho năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả

Khi nói đến hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện Đăk Tô hiện nay, nhiều người đều nhắc đến mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Xuân Đại và chị Nương Thị Mai ở thôn 1, xã Tân Cảnh.

Theo anh Nguyễn Xuân  Đại, gắn bó với nghề nông và quyết tâm muốn vươn lên từ chính nghề nông, vợ chồng anh có nhiều trăn trở. Sau nhiều suy tính, năm 2016, gia đình anh quyết định phá bỏ 5ha cao su đã trồng nhiều năm chuyển sang trồng cây ăn quả theo mô hình trang trại.

“Để mô hình mang lại hiệu quả, vợ chồng tôi lặn lội vào các tỉnh miền Tây Nam bộ học tập kinh nghiệm, mua cây giống về trồng. Chúng tôi chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và lưu ý đến nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là sạch và an toàn. Cùng với đó, chúng tôi có sự tính toán để đan xen trồng nhiều loại cây khác nhau như: bơ, sầu riêng, mít, quýt Thái, na... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng mô hình trang trại này là 1 tỷ đồng” – anh Đại cho biết.

Sau 3 năm xây dựng mô hình, đến nay, gia đình anh Nguyễn Xuân Đại phát triển được khoảng 600 cây bơ, 450 cây sầu riêng, 900 cây quýt đường, 350 cây mít Thái da xanh và 200 cây na. Hiện nay, tất cả các loại cây đều sinh trưởng, phát triển tốt; có khoảng 1ha cây bơ, cam đã cho thu hoạch; sản phẩm chủ yếu nhập cho các thương lái trong và ngoài huyện, giá biến động từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg tuỳ theo thời điểm.

Anh Nguyễn Xuân Đại chia sẻ: Trang trại quy mô lớn nên tôi xác định phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, tôi cũng xây dựng trang trại theo quy trình sạch bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân ưa chuộng những loại sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn.

Tương tự mô hình trồng cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Xuân Đại và một số hộ dân khác trên địa bàn, mô hình trồng, chăm sóc cây chanh dây (do Nhà nước hỗ trợ hoặc các tổ chức, cá nhân tự đầu tư phát triển) ở Đăk Tô những năm gần đây đã phát huy hiệu quả.

Mô hình cây ăn trái của gia đình anh Đại phát huy hiệu quả. Ảnh: VP  

 

Chẳng hạn, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả chanh dây với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Thái An (có sự hỗ trợ của Nhà nước 247,6 triệu đồng) có 4 hộ tham gia trồng được 8,5 ha. Đến nay, thu hoạch năng suất bình quân ước đạt từ 60-80 tấn/ha/năm (thu hoạch bói); dự kiến sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận ước đạt trên 500 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất.

Còn với mô hình trồng chanh dây do người dân tự đầu tư phát triển như của anh Trương Hồng Hiếu (ở thôn 4, xã Diên Bình) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình rõ nét.

Anh Hiếu cho biết, gia đình anh đã đầu tư trồng 3 ha chanh dây với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là anh đã hợp tác với Công ty Thái Nông Kon Tum bao tiêu thu mua sản phẩm với giá ổn định. Ngược lại anh làm theo đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị đảm bảo chất lượng quả. Ngay vụ đầu tiên, gia đình anh đã thu được cả trăm tấn chanh dây.

Nhân rộng mô hình

Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Tô, đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Tô triển khai thực hiện được 15 mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân rộng. Trong số đó, nhiều mô hình mang lại thu nhập cao như: trồng cây ăn trái, chanh dây, mía, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn, gà theo hình thức bán công nghiệp...

Nhìn chung, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở Đăk Tô dưới 2 dạng: do Nhà nước hỗ trợ hoặc cá nhân, tổ chức tự đầu tư, phát triển. Chẳng hạn như mô hình trồng, chăm sóc cà phê vối (có 3 mô hình). Trong đó, mô hình do Nhà nước hỗ trợ trên địa bàn 2 xã Đăk Trăm và Văn Lem có 206 hộ dân tham gia, trồng được 72,05 ha; kinh phí Nhà nước đã đầu tư là 1,31 tỷ đồng. Mô hình cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 10-15 tấn quả tươi/ha; thu nhập bình quân từ 60 – 90 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận đạt trên 40 triệu đồng/ha.

Cũng là mô hình trồng và chăm sóc cà phê vối, ở Đăk Tô có mô hình của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ, Thương mại Rạng Đông. Với diện tích 25 ha cà phê vối của 7 thành viên Hợp tác xã; vốn đóng góp của các thành viên 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.

Theo UBND huyện Đăk Tô, điều đáng mừng hơn cả là từ mô hình do Nhà nước hỗ trợ triển khai, bà con tự nhận thức được tính hiệu quả và tự đầu tư kinh phí để thực hiện, nhân rộng.

Chẳng hạn như mô hình trồng cà phê vối ở Đăk Trăm và Văn Lem, từ hiệu quả mang lại, bà con đã tự đầu tư mở rộng, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn 2 xã hiện nay lên trên 170 ha. Hay mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu với Công ty cổ phần Đường Kon Tum, sau 2 năm triển khai đã phát huy hiệu quả, năm nay, người dân tiếp tục phát triển thêm 20ha cây mía nguyên liệu theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Đường Kon Tum. Rồi mô hình thử nghiệm giống lúa mới Thiên ưu 8 và RVT với diện tích 29,1ha; kinh phí thực hiện hơn 740 triệu đồng đã cho  năng suất đạt từ 6-8 tấn/ha, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha; mô hình giống lúa mới OM 4900 tại xã Đăk Trăm có 6,14 ha/47 hộ tham gia; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 124,9 triệu đồng cho năng suất bình quân đạt từ 5-7 tấn/ha, thu nhập khoảng 42 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha. Qua các mô hình, các giống lúa này đã được huyện đưa vào bộ cơ cấu giống khuyến cáo sản xuất tại địa phương…

Có thể nói, triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân rộng là hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đăk Tô. Đây là xu hướng đang được nhiều người dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo nhanh và bền vững.

Văn Phương

Chuyên mục khác