Đăk Tô: Hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất

18/05/2024 07:04

Do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, thời tiết khô hạn trên địa bàn huyện Đăk Tô kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Tính đến giữa tháng 5/2024, huyện Đăk Tô có trên 122ha cây trồng bị thiệt hại; hạn hán không chỉ làm giảm năng suất của một số loại cây trồng ngắn ngày, mà còn gây ra tình trạng các cây trồng dài hạn ở một số nơi trên địa bàn bị chết hoàn toàn.

Đến thời điểm hiện tại, xã Tân Cảnh là địa bàn có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn lớn nhất của huyện Đăk Tô với trên 56ha cây trồng bị khô hạn. Trong đó, 53ha cây cà phê bị thiếu nước tưới, gây nguy cơ giảm năng suất trong niên vụ 2023-2024. Bên cạnh đó, toàn xã có trên 3ha cây mắc ca trồng mới năm 2023 bị chết do thiếu nước.

Ông Đặng Văn Đồng- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết: Vụ Đông Xuân 2023-2024 này, diễn biến thời tiết rất khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, gây thiệt hại đến sản xuất của người dân. Mọi năm, vào thời điểm tháng 4 đã bắt đầu có mưa, kịp thời cung cấp nguồn nước cho cây trồng; nhưng năm nay, đến giữa tháng 5, chỉ có vài cơn mưa nhỏ, rải rác, lượng nước mưa không nhiều, buộc người dân phải kéo dài thời gian tưới nước cho cây trồng để hạn chế thiệt hại. Riêng cây cà phê phải tưới 6-8 đợt thì mới đủ lượng nước cho cây phát triển. Hiện nay, UBND xã Tân Cảnh tập trung vận động, hướng dẫn người dân tận dụng tối đa các nguồn nước, tích cực bơm nước từ sông, suối, ao, hồ vào vườn cây để chống hạn cho cây trồng.

Trước đó, để phòng tránh thiếu nước tưới trong vụ Đông Xuân 2023-2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô chủ động tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước; thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng thường xuyên bị thiếu nước tưới, không hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài, lượng mưa ít nên hạn hán trên cây trồng vẫn diễn ra.

Cây cà phê bị vàng lá do thiếu nước tưới. Ảnh: TL

 

Tại xã Kon Đào, hơn 10ha cà phê, mắc ca, cây ăn quả bị thiếu nước tưới. Xã Pô Kô có 32,2ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán, khả năng làm giảm năng suất từ 30-50%; 22,9ha cây mì và 1.515 cây mắc ca bị chết do hạn hán.

Hiện nay, đa số các công trình thủy lợi cơ bản vẫn đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Riêng công trình thủy lợi C19, Tà Cang thuộc xã Diên Bình trữ lượng nước còn ít, thấp hơn “mực nước chết”, do đó người dân sử dung nước tưới bằng cách bơm trực tiếp từ lòng đập. Công trình thủy lợi thôn Đăk Tăng tại xã Ngọc Tụ hiện nay người dân sử dụng tưới cà phê các loại cây ăn qua tăng mạnh do nắng nóng kéo dài, vì vậy có khả năng thiếu nước tưới trong thời gian tới. Lượng nước tại các ao hồ nhỏ, khe suối giảm mạnh, người dân phải tổ chức tưới thay phiên, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Ông Tưởng Văn Khanh- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, phối hợp với Trạm quản lý thủy nông, Trung tâm môi trường và dịch vụ đô thị huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch; hướng dẫn nhân dân phòng, chống hạn hán theo các chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành.

Tấn Lộc

 

Chuyên mục khác