Đăk Tô: Giải quyết đất chồng lấn

21/10/2023 13:01

Hiện nay, Sư đoàn 10 đang tích cực phối hợp với chính quyền huyện Đăk Tô, xã Kon Đào giải quyết việc chồng lấn diện tích đất giữa người dân xã Kon Đào đang canh tác với diện tích đất được tỉnh giao cho Sư đoàn 10 quản lý.

Sư đoàn 10 được UBND tỉnh Kon Tum giao 630ha đất để trồng cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô (Quyết định sử dụng đất số: 1128/QB-UB ngày 4/10/1994). Đến ngày 9/10/2006 UBND tỉnh Kon Tum đã cấp cho Sư đoàn 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 359,29ha, thời hạn sử dụng đến tháng 10/2044. Sư đoàn 10 đã triển khai công tác quản lý sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, phát hiện một số hộ dân của huyện Đăk Tô đang sử dụng một số diện tích đất chồng, lấn trong GCNQSDĐ của Sư đoàn 10 đang quản lý. Trong số đó, có một số diện tích đã được chính quyền huyện Đăk Tô cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Ông Nghiếng giới thiệu về sổ đỏ được cấp. Ảnh: HN

 

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô, qua đo đạc thực tế đã lập được bản đồ hiện trạng sử dụng đất của Sư đoàn 10 thì tổng diện tích theo đo đạc thực tế toàn bộ khu vực đất Sư đoàn 10 đang quản lý là 371,35ha; trong đó, phần diện tích thực tế Sư đoàn 10 đang quản lý, sử dụng 269,44ha bao gồm:  Phần diện tích thực tế đang trồng cao su, keo, trắc, bời lời, cà phê là 160,67ha. Phần diện tích liên doanh, liên kết trồng thông với Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam là 108,77ha. Phần đất người dân đang sử dụng trên đất do Sư đoàn 10 quản lý theo GCNQSDĐ đã cấp là 101,91ha, trong số đó có 31ha đất người dân xã Kon Đào đang sản xuất từ năm 1998 đến nay (đã được chính quyền địa phương cấp GCNQSDĐ).

Đại tá Hồ Sỹ Chiến, Phó Chính ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) cho biết: Sư đoàn 10 đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp cho diện tích đất tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, quá trình được giao đất, Sư đoàn 10 đã tiến hành tiếp nhận, quản lý và sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, hiện nay có một số hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Tô tiến hành xâm canh, xâm lấn trong diện tích đất được giao cho đơn vị đang quản lý.

Cũng theo đại tá Chiến, để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân là do phương pháp đo đạc tại thời điểm giao đất chưa được chính xác. Trong quá trình giao nhận đất thì chưa được cắm mốc, mốc lộ giới cụ thể, dẫn đến hiện nay một số hộ dân đang sản xuất trên đất mà đơn vị đang quản lý.

Với người dân, họ cũng không biết diện tích đất mà họ đang canh tác từ năm 1998 đến nay là đất đã được cấp cho Sư đoàn 10 quản lý, thậm chí, nhiều hộ đã được chính quyền địa phương cấp GCNQSDĐ.

Khu vực đất chồng lấn tại đồi Ăng Ten, xã Kon Đào. Ảnh: HN

 

Chị Hoàng Thị Hạnh, thôn 1, xã Kon Đào, cho hay: Năm 1994, bố mẹ tôi bắt đầu khai hoang đất tại điểm cao 874,8 (đồi Ăng ten) để trồng mì, bời lời. Đến năm 2015, bố mẹ trồng cao su cho đến nay và không có tranh chấp với ai. Khi bố mẹ chia cho con cái mới phát hiện ra diện tích đất đang sản xuất của gia đình đã được giao cho Sư đoàn 10 quản lý.

Còn ông Nguyễn Văn Nghiếng (thôn 2, xã Kon Đào) được chính quyền địa phương cấp 2 GCNQSDĐ, trong đó, có một GCNQSDĐ có cả phần diện tích đất của Sư đoàn 10 đang quản lý. Khi đo đạc thực tế để cấp lại thì lại có sự chênh lệch nhiều, vì vây, ông Nghiếng mong muốn xác định cho chính xác với diện tích đất thực tế để yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sư đoàn 10 đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân và cùng bàn bạc hướng giải quyết diện tích người dân đang canh tác, sản xuất trên diện tích đơn vị đang quản lý. Theo đại tá Hồ Sỹ Chiến, chủ trương của Sư đoàn 10 là thống nhất cao với đề xuất của chính quyền địa phương, sẽ chuyển 31ha đất người dân đang canh tác trên diện tích đất đơn vị đang quản lý cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. 

“Thời gian tới, Sư đoàn 10 sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Đăk Tô, xã Kon Đào tiếp tục vận động nhân dân bàn giao lại đất cho đơn vị để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, đơn vị sẽ bàn giao lại diện tích đất bị xâm lấn đó cho địa phương quản lý”- đại tá Chiến cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Hiện nay, khó khăn vướng mắc nhất là trong thời điểm năm 1994, UBND tỉnh giao đất cho Sư đoàn 10 chưa xác định được ranh giới rõ ràng nên việc xác định đất chồng lấn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là xác định lại thời điểm người dân sử dụng đất để đối chiếu theo các quy định của pháp luật. Nếu là đất lấn chiếm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp đất được sử dụng trước khi giao đất cho Sư đoàn 10 thì xem xét, sau khi Sư đoàn 10 trả lại đất về cho địa phương sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật.         

Hà Nam

Chuyên mục khác