Đăk Tô: Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP

07/02/2020 13:25

Năm 2019, huyện Đăk Tô tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) ở các xã và thị trấn trên địa bàn, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, hướng tới nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng của người dân địa phương.

Cụ thể, tháng 7/2019, UBND huyện Đăk Tô đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn. Theo đó, hướng đến năm 2020, địa phương tập trung xây dựng và phát triển cơ bản hoàn thiện 3 sản phẩm nông nghiệp, gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê sạch Đăk Tô của Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông; nuôi cá nước ngọt tại xã Diên Bình và xã Pô Kô; phát triển chanh dây theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn các xã Tân Cảnh, Diên Bình, Kon Đào.

Tiếp đến giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu trên địa bàn các xã có từ 1 sản phẩm trở lên đạt từ 3 - 5 sao cấp huyện; mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm được định hướng phát triển, sản xuất theo Chương trình OCOP.

Để triển khai đạt các mục tiêu của Chương trình OCOP đề ra, UBND huyện đã giao cho Phòng NN&PTNT chủ trì, phối hợp các xã, thị trấn tham mưu các mặt công tác thực hiện liên quan.

Vườn chanh dây trồng theo mô hình an toàn của ông Nguyễn Xuân Đại. Ảnh: MT 

 

Ông Tưởng Văn Khanh - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết, năm 2019, đơn vị đã trực tiếp về các địa phương tổ chức tuyên truyền cho hội viên các tổ chức đoàn thể và người dân, cũng như định hướng, hướng dẫn cho các chủ nhiệm, thành viên tổ hợp tác nắm được các quy trình và các yêu cầu khi tham gia OCOP để chủ động triển khai thực hiện theo đúng quy định, như đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm hàng hóa. Khi đã có sản phẩm hàng hóa chủ lực, thì chủ thể của sản phẩm OCOP tự đưa ra ý tưởng, phương án thiết kế với bao bì, nhãn mác, kiểu dáng hàng hóa (thuộc nhóm thực phẩm, ẩm thực, đồ uống) để hoàn tất hồ sơ, hướng tới kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.

Theo ông Khanh, năm 2019, quá trình các hộ gia đình, hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã triển khai thực hiện xây dựng các sản phẩm chủ lực, Phòng NN&PTNT và UBND các xã, thị trấn đều hỗ trợ tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể. Ngoài ra, UBND các địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng giúp các hội viên, các tổ hợp tác tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc cây trồng - vật nuôi và hoàn tất các hồ sơ thủ tục sản phẩm OCOP.

“Trên cơ sở thực hiện đúng các quy trình, nếu mỗi sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục hỗ trợ về máy móc, thiết bị chế biến, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy việc liên kết đưa sản phẩm đến với thị trường tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất” - ông Khánh cho biết thêm.

Từ sự hỗ trợ của các cấp và ngành chuyên môn, các xã và thị trấn Đăk Tô đã mạnh dạn xác định thêm những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng để tham mưu triển khai trong các năm tới, phát triển thành sản phẩm OCOP như: nấm ăn, nấm dược liệu của xã Diên Bình; cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, chuối xuất khẩu, heo rừng nuôi của các xã Kon Đào, Văn Lem, Đăk Rơ Nga; rau ăn lá, củ quả các loại của thị trấn Đăk Tô; rượu cây đoác của xã Đăk Rơ Nga; cây dược liệu của xã Văn Lem và nếp cái hoa vàng của xã Ngọc Tụ…

Chúng tôi đến thăm mô hình “Sản xuất sản phẩm cây ăn quả theo hướng hữu cơ sinh học” của ông Nguyễn Xuân Đại ở thôn 1 của xã Tân Cảnh. Đây là mô hình  được xã chọn triển khai chương trình OCOP trên địa bàn, do đó, năm qua, đơn vị đã hỗ trợ kỹ thuật, định hướng phát triển các loại cây ăn trái sạch cho mô hình.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, gia đình có 5 ha cây ăn trái, gồm các loại như: sầu riêng, bơ, mít, quýt, na (giống Thái Lan) và chanh dây. Trong đó có bơ, quýt và chanh dây đã cho tổng thu nhập mỗi năm gần 750 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí. Với việc tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, các loại cây ăn trái đã sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm cho giá trị kinh tế cao hơn so với lối canh tác truyền thống 35-60%. Trong quá trình sản xuất, gia đình nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phân bón hữu cơ sinh học đúng quy trình, quy định của Phòng NN&PTNT, hướng tới đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.

Đến thăm Tổ hợp tác chuỗi liên kết trồng chuối xuất khẩu theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ sinh học tại xã Diên Bình, ông Vũ Ngọc Hà - Tổ trưởng Tổ hợp tác thông tin, vườn chuối tiêu hồng này có tổng diện tích khoảng 10 ha, được triển khai từ 8 tháng trước với vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng, cây chuối bắt đầu cho quả đều, đẹp. Hiện tại, Tổ hợp tác đã hoàn tất các thủ tục để liên kết với Công ty Kotinotri tại Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới.

Theo ông Hà, có được thành quả trên, trong quá trình triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm, Tổ hợp tác được Phòng NN&PTNT cũng như Trung tâm dịch vụ kỹ thuật của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên tổ hợp tác biết, triển khai thực hiện đúng quy trình, để sản phẩm đủ điều kiện xuất ra thị trường trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đăk Tô đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, hy vọng rằng huyện Đăk Tô sẽ sớm về đích và đạt cao nhất các mục tiêu đề ra đối với chương trình OCOP, để góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân làm giàu chính đáng, góp phần đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.  

Mai Trâm

Chuyên mục khác