Đăk Tô: Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

15/05/2021 13:01

Ngay từ đầu năm, chính quyền huyện Đăk Tô kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vận hành và an toàn cho các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn.

Ông Tưởng Văn Khanh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết, huyện Đăk Tô hiện nay có 69 công trình thủy lợi (UBND huyện Đăk Tô quản lý 37 công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 32 công trình). Phần lớn các công trình được đầu tư xây dựng kiên cố với hình thức tràn tự do, đảm bảo khả năng thoát lũ. Hệ thống kênh mương được bê tông hóa, phục vụ trên 85% diện tích tưới, tiêu theo thiết kế. Đội ngũ trực tiếp quản lý, vận hành các công trình thủy lợi đều được đào tạo, bồi dưỡng và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ quản lý an toàn đập và quản lý, vận hành công trình thủy lợi.

Ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các đơn vị quản lý công trình thủy lợi chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm, phương án theo Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn đã được UBND huyện phê duyệt, ban hành.

Với những công trình thủy lợi do UBND huyện quản lý, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các xã chủ động xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ hàng năm với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Việc duy tu, bảo dưỡng được triển khai thực hiện theo nguyên tắc khoa học, hợp lý, không trùng thời gian sản xuất của người dân.

Các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đăk Tô cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành và đảm bảo an toàn. Ảnh: Đ.T

 

Đối với hệ thống kênh mương nội đồng, người dân được hưởng lợi từ hệ thống chủ động thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy trước các mùa vụ sản xuất.

Những công trình thủy lợi còn lại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo cán bộ phụ trách từng công trình tổ chức xử lý vật cản để khơi thông dòng chảy, đảm bảo thoát lũ trên các đập tràn; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các thiết bị vận hành cửa van thép điều tiết, xả lũ; sửa chữa, gia cố hệ thống đập.

Đối với 7 công trình thủy lợi do Trạm Quản lý thủy nông huyện quản lý đều được đơn vị chủ động kiểm tra trước mùa mưa nhằm không để xảy ra sự cố và cơ bản đáp ứng an toàn, vận hành xuyên suốt. Hiện tại, 5/7 công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành quy trình vận hành, điều tiết. Các công trình còn lại, Trạm đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành, điều tiết để trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành.

Trực tiếp đi thăm hồ Đăk Rơn Ga ở xã Tân Cảnh, do Trạm Quản lý thủy nông quản lý, đây là hồ chứa nước lớn nhất của huyện Đăk Tô. Hồ phục vụ việc nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước tưới cho vùng sản xuất 856ha (gồm 327ha lúa 2 vụ và 529ha cà phê), giảm lũ cho vùng hạ du và cung cấp nước thô cho nhà máy cấp nước sạch đang xây dựng trên địa bàn xã Tân Cảnh. Việc vận hành cửa van thép điều tiết, xả lũ của hồ phải theo quy trình được ban hành, đảm bảo yêu cầu an toàn theo chỉ tiêu phòng lũ và phương án phòng chống ngập lụt vùng hạ du được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Tưởng Văn Khanh, trong phương án đảm bảo an toàn và vận hành các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, huyện Đăk Tô còn chủ động dự tính tình huống có thể xảy ra và đưa ra các biện pháp xử lý. Cụ thể, nếu mưa to kéo dài nhiều ngày, lượng nước về các hồ chứa quá lớn, mực nước tràn có thể vượt mức cho phép, tốc độ dòng chảy xiết, ảnh hưởng trầm trọng đến an toàn công trình, có khả năng vỡ đập, gây thiệt hại về người và tài sản ở vùng hạ lưu, các đơn vị quản lý công trình phối hợp với UBND các xã bố trí cán bộ túc trực 24/24; giữ liên lạc, báo cáo thường xuyên diễn biến tình hình do thiên tai gây ra để lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện chỉ đạo ứng phó kịp thời; chủ động xuất vật tư dự phòng, huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện khắc phục nhanh chóng các vị trí bị xói lở; thông báo cho chính quyền địa phương, tham gia hỗ trợ di dời người và tài sản ở vùng hạ du khẩn cấp đến nơi an toàn.

Ông Khanh chia sẻ, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi và UBND các xã trên địa bàn huyện triển khai các giải pháp đang thực hiện, đảm bảo việc vận hành các công trình. Trước mắt là đáp ứng yêu cầu cung cấp nước tưới để người dân sản xuất vụ mùa và sau đó là đảm bảo an toàn khi bước vào mùa mưa bão.   

Đức Thành

Chuyên mục khác