25/04/2020 09:36
Liên tiếp phát hiện phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Đăk Tô phát hiện 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; đáng chú ý có đến 5 vụ vi phạm khai thác rừng trái phép với khối lượng 106,049 m3 gỗ (quy tròn). Trong đó, địa bàn xã Đăk Rơ Nga trở thành một trong những “điểm nóng” trong khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Chỉ tính từ ngày 3 - 21/2, trên địa bàn xã Đăk Rơ Nga liên tục phát hiện các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 274 và tiểu khu 276 - thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.
Cụ thể, ngày 3/2 tại khoảnh 7, tiểu khu 276, Trạm Bảo vệ rừng Đăk Rơ Nga phát hiện 5 gốc cây bị cưa hạ trái phép. Hiện trường còn lại 8 hộp gỗ xẻ, 2 cưa xăng và 1 trống tời (gồm cuốn cáp và dây cáp).
Đến ngày 15/2, qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát hiện tại khoảnh 8,9,10 tiểu khu 276 thuộc Trạm Bảo vệ rừng Đăk Rơ Nga quản lý có 19 cây gỗ bị cưa hạ, khối lượng gỗ còn lại hiện trường là hơn 7,5 m3 quy tròn.
Ngày 18/2 tại khoảnh 7, tiểu khu 276, tổ kiểm tra Trạm Bảo vệ rừng Đăk Rơ Nga lại phát hiện 5 đối tượng đang sử dụng 2 cưa xăng xẻ gỗ trái phép với khối lượng gỗ vi phạm hơn 12,6 m3. Đến ngày 19/2, Chi cục Kiểm lâm cũng phát hiện tại khoảnh 7, 9,11 và 12 (Tiểu khu 276) có 23 cây gỗ bị cưa hạ trái phép.
Ngày 21/2 tại tiểu khu 274, Trạm Bảo vệ rừng Đăk Rơ Nga phát hiện 6 đối tượng sử dụng xe máy độ chế vận chuyển 6 hộp gỗ xẻ.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhưng tất cả những lần liên hệ trên đều bị nhân viên đơn vị từ chối với lý do lãnh đạo đi vắng và hoặc lãnh đạo đang đi kiểm tra rừng (?)
|
Cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý
Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh ban hành kế hoạch tăng cường tuần tra, truy quét tại các tiểu khu trên lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý tại xã Đăk Rơ Nga
Triển khai chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Tô phối hợp với Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét tại các tiểu khu trên lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; qua đó phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép.
Vụ việc vi phạm lâm luật mới nhất mà các đơn vị chức năng qua công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát đã phát hiện là vào tối 19/4. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô phối hợp cùng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1, UBND xã Đăk Rơ Nga và lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tổ chức mật phục, bắt quả tang 2 xe máy cày chở 6 hộp gỗ phay tại khoảnh 3, tiểu khu 279 (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô). Qua đo đếm, xác định khối lượng gỗ vi phạm là 5,145 m3, chủng loại gỗ phay. Tổ công tác đã bắt giữ 1 đối tượng lái máy cày và đối tượng này khai tên là Nguyễn Văn Khường (ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi).
Trước đó, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cũng liên tiếp mật phục bắt được một số đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn xã Đăk Rơ Nga.
Trao đổi với phóng viên về tình tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn, theo ông Nguyễn Tấn Phát - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đăk Tô cho biết, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô là đơn vị chủ rừng quản lý lâm phần lớn nhất trên địa bàn huyện. Theo quy định, khi được giao, chủ rừng là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng. Hạt, chính quyền địa phương phối hợp quản lý khi chủ rừng có đề nghị.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, trong tổng số các vụ vi phạm lâm luật, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn từ đầu năm 2020 đến nay, xảy ra chủ yếu tại địa bàn xã Đăk Rơ Nga, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Điều này chứng tỏ công tác bảo vệ rừng ở đây có nhiều vấn đề. Việc liên tục để xảy ra phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trong lâm phần quản lý thì phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cũng theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm Đăk Tô, tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm; công tác phối hợp giữ chủ rừng và UBND cấp xã chưa đồng bộ chặt chẽ…
Ngoài nguyên nhân khách quan do lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, thường lựa chọn địa bàn khó khăn trong đi lại, điểm giáp ranh để khai thác và lựa chọn thời điểm ban đêm, ngày nghỉ để hoạt động; lực lượng bảo vệ mỏng thì cũng cần xác định, nguyên nhân chủ quan là chủ rừng chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo, tuần tra, truy quét để bảo vệ rừng…
Để những cánh rừng không còn “chảy máu”, trước tiên chính quyền và ngành chức năng cần xem xét, làm rõ trách nhiệm quản lý của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, truy quét và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương, nắm bắt thông tin kịp thời và triển khai các biện pháp ngăn chặn xâm hại rừng…
Phúc Nguyên