Đăk Tô chủ động các phương án phòng, chống bão lũ

09/09/2023 06:17

Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Đăk Tô đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) huyện; chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cơ sở xây dựng các phương án ứng phó, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai, bão lũ trước khi bước vào mùa mưa bão, nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân.

Năm 2022, thiên tai, bão lũ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn. Để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Tô đã triển khai hỗ trợ 134 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Ban Cứu trợ huyện, kịp thời giúp đỡ người dân khôi phục, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, 4 công trình giao thông, thuỷ lợi hư hỏng do thiên tai gây ra năm 2022 đang được huyện Đăk Tô triển khai khắc phục, với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, giông sét đã làm hư hại hệ thống điều khiển, máy bơm thuộc công trình cấp nước sinh hoạt thôn 2, thôn 3, xã Diên Bình và các thiết bị, vật tư tại trụ sở HĐND-UBND huyện Đăk Tô.

Các xã, thị trấn đảm bảo vật tư tại chỗ trong mùa mưa bão. Ảnh: TL

 

Nhằm chủ động trong phòng, chống bão lũ năm 2023, UBND huyện Đăk Tô tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ huy. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai; tham mưu ban chỉ huy cấp huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Đăk Tô, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cũng đã kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Thành- Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lem, huyện Đăk Tô chia sẻ: Vào cao điểm của mùa mưa bão, ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp xã có trách nhiệm theo dõi tình hình thời tiết thường xuyên, tiếp nhận các văn bản của cấp trên để triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó. Ban chỉ huy cấp xã túc trực 24/24h, chỉ đạo các lực lượng kịp thời di dời các hộ dân khu vực gần suối Đăk Sing ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập nước, sạt lở; cảnh báo người dân không ở lại trên chòi rẫy; không cho người dân di chuyển qua các cầu tràn khi mực nước dâng cao.

Qua theo dõi diễn biến tình hình thời tiết xảy ra trên địa bàn trong các năm qua, UBND huyện Đăk Tô chủ động đưa ra các phương án ứng phó trong các trường hợp cụ thể như bão mạnh, siêu bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; gió lốc, giông, sét, mưa đá.

Kiểm tra an toàn tại các công trình trọng yếu trong mùa mưa bão. Ảnh: TL

 

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huyện Đăk Tô đã cung ứng đến các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn 251 áo phao cứu sinh, 245 phao tròn cứu sinh, 5 bè cứu sinh, 12 nhà bạt các loại. Các phương tiện, vật tư trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được kiểm tra thường xuyên, bảo quản theo quy định, sẵn sàng trong các trường hợp ứng cứu. Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô đã chuẩn bị đẩy đủ các rọ đá, đá hộc, tấm lợp, bao tải để kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở đất do bão lũ gây ra.

Trên địa bàn các xã, thị trấn, lực lượng xung kích cấp xã, thôn với số lượng trên 400 người luôn sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó với tình hình bất lợi do thiên tai.

Ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Bên cạnh việc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện tăng cường triển khai hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là mưa lũ, bão, lũ quét, sạt lở đất) bằng nhiều hình thức. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác an toàn tại các đập, hồ chứa nước; đảm bảo việc điều tiết nước, xả lũ theo đúng phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, tránh trường hợp xả lũ đột ngột, ảnh hưởng lớn đến khu vực hạ lưu.     

Tấn Lộc

Chuyên mục khác