Đăk Tăng: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

12/01/2018 06:16

​Để giúp nông dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) đã tích cực vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhờ đó, kinh tế của xã bước đầu đã có thay đổi, nhiều hộ đồng bào DTTS có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Không có nhiều lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như nhiều địa phương khác, nhưng xã Đăk Tăng đang dần trở thành một trong những địa phương mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Kon Plông. Trong đó, xã tập trung phát triển cây cà phê xứ lạnh, cây lúa nước; chăn nuôi trâu hàng hoá... để cải thiện thu nhập cho người dân.

Cây cà phê xứ lạnh là loại cây trồng được xã Đăk Tăng mới đưa vào trồng và rất được người dân ủng hộ. Ảnh: T.H

 

Phó Chủ tịch UBND xã - A Hùng chia sẻ: Là xã thuần nông ở một vùng khó, trước đây, người dân Đăk Tăng chủ yếu trồng mì, lúa nước một vụ; chăn nuôi theo hình thức quảng canh. Việc đổi mới cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân diễn ra rất chậm nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không cao, không có các loại cây hàng hóa có giá trị. Trong khi, tiềm năng đất đai của xã còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác hiệu quả. Vì thế mà đời sống của người dân cứ quẩn quanh mãi trong cái khó, cái nghèo, kinh tế của xã không phát triển được.

Từ năm 2014, Đăk Tăng xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã vận động người dân từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bằng các giải pháp như: Đưa các loại cây trồng  mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đồng bào DTTS trên địa bàn xã từng bước xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu, mạnh dạn thử sức với những loại cây trồng mới, phương thức canh tác mới.

Theo đó, từ năm 2014, với sự hỗ trợ của đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh, người dân Đăk Tăng đã từng bước làm quen và đưa vào trồng cây cà phê - loại cây công nghiệp hoàn toàn mới lạ với đồng bào DTTS nơi đây.

Với chính sách hỗ trợ về giống, phân của Nhà nước cho hộ nghèo cùng với các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về cách trồng, chăm sóc, cách bón phân cho cây cà phê, quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê... của ngành Nông nghiệp; nhiều gia đình đã tích cực chuyển đổi diện tích đất phù hợp sang trồng cà phê. Một số gia đình còn mạnh dạn tự mở rộng thêm diện tích.

Sau 3 năm bén rễ, đến nay, toàn xã đã có gần 90ha cà phê xứ lạnh... Những diện tích trồng năm 2014, 2015 đã cho thu hoạch giúp cho nhiều gia đình có thêm nguồn thu, vươn lên thoát nghèo; tạo động lực để người dân mở rộng diện tích.

Nhiều hộ gia đình trong xã có diện tích cà phê lớn như Y Buôn (thôn Đăk Tăng) có gần 2ha, A Mang (thôn Vi Xây) có hơn 1ha, A Chang (thôn Đăk Tăng) có hơn 2ha... giúp cho các gia đình có thu nhập khá.

Từ năm 2016 đến nay, xã Đăk Tăng còn vận động người dân khai thác và bảo vệ các loại dược liệu tự nhiên như chè dây, táo mèo, nấm linh chi để cải thiện thu nhập. Đồng thời, xã cũng triển khai một số mô hình trồng dược liệu như sâm đương quy, nghệ đỏ, đinh lăng... với diện tích hơn 3ha.

Bên cạnh các loại cây trồng mới, dài ngày thì cây lúa hiện vẫn giữ vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã Đăk Tăng. Toàn xã hiện có 255ha lúa nước.

Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa một vụ với các giống lúa  cũ của địa phương thì những năm gần đây, người dân đã dần làm quen với phương pháp canh tác lúa 2 vụ, gieo sạ, đưa các giống lúa vào trồng như IR64, VND95; hạn chế để lại giống nhiều vụ; sử dụng phân chuồng và phân vô cơ bón cho lúa. Nhờ đó, năng suất lúa và chất lượng gạo được nâng cao, bình quân đạt 35 - 37 tạ/ha/vụ.

Cùng với phát triển cây trồng, Đăk Tăng còn đẩy mạnh chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Tổng đàn trâu, bò toàn xã hiện có gần 1.200 con; trong đó, đàn trâu chiếm tới gần 1.000 con.

Chăn nuôi trâu theo hướng hàng hoá cũng là hướng đi đang được người dân Đăk Tăng thực hiện. Ảnh: T.H

 

Những năm gần đây, các hộ dân trên địa bàn đã biết hình thành các nhóm hộ chăn nuôi trâu; tổ chức chăn, thả; phòng chống dịch bệnh; làm cây rơm, trồng cỏ cung cấp thêm thức ăn cho trâu bò chứ không chăn nuôi theo kiểu thả rông và dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên như trước. Nhờ vậy, đàn trâu, bò phát triển ổn định, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã - A Hùng, để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, chăn nuôi; xã phối hợp ngành chức năng hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mà đời sống của nhiều hộ dân đã có những bước tiến đáng kể và chỉ vài năm nữa khi diện tích cà phê được thu hoạch tăng lên, kinh tế của họ sẽ có nhiều đổi thay.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Đăk Tăng đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề để Đăk Tăng tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết; hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản... Từ đó, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác