Đăk Ruồng với mô hình trồng giống mì mới

07/12/2016 14:04

Đầu năm 2016, UBND huyện Kon Rẫy triển khai mô hình giống mì KM140 và KM419 cho gần 300 hộ nghèo trên địa bàn xã Đăk Ruồng với tổng diện tích 140ha, mức đầu tư trên 920 triệu đồng và bước đầu đã mang lại những tín hiệu đáng mừng.

Đăk Ruồng là xã có diện tích trồng mì lớn nhất ở huyện Kon Rẫy và đây cũng là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Kon Rẫy nói chung và xã Đăk Ruồng nói riêng, các loại giống mì như: KM60, KM90, KM94, mì gòn, mì nhật xanh qua canh tác lâu năm đã thoái hóa dần, năng suất giảm hẳn và hàm lượng tinh bột thấp.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy kiểm tra tiến độ phát triển của giống mì mới. Ảnh: H.N

 

Nắm bắt nhu cầu giống mì mới của bà con nhân dân và qua khảo nghiệm thành công tại xã Đăk Pne vào năm 2013, đầu năm 2016, UBND huyện Kon Rẫy tiếp tục áp dụng và triển khai mô hình giống mì KM140 và KM419 cho gần 300 hộ nghèo trên địa bàn xã Đăk Ruồng với tổng diện tích 140ha, mức đầu tư trên 920 triệu đồng.

Trong đó, Công ty CP Nông sản Đông Dương và Công ty TNHH tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà hỗ trợ giống KM 419 để trồng 70ha; ngân sách huyện hỗ trợ giống KM140 để trồng 70ha.

Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: Nếu hộ dân tham gia vào dự án thì sẽ được hỗ trợ 100% giống mới để trồng. Sắp tới, UBND xã sẽ dùng vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ cho các hộ phân bón để bón thúc lần 2.

Hai loại giống mì này được đánh giá là có năng suất và kỹ thuật tương đương nhau vào khoảng từ 12- 14 củ/ bụi, gấp đôi so với các loại giống mì cũ và đạt năng suất từ 40- 45 tấn/ha.

Trong quá trình triển khai trồng giống mì mới, huyện đã chú trọng hướng dẫn các quy trình kỹ thuật cho nhân dân. Ông Nay Y Khánh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: Trước khi trồng 2 giống mì mới này, chúng tôi đã hướng dẫn trực tiếp đến người dân, phân công cán bộ của Phòng phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân cách trồng phù hợp với quy trình kỹ thuật.

Ông Nay Y Khánh cho biết thêm: Đợt hạn hán vừa qua gây khó khăn không ít đối với sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Bởi vậy, trước khi lựa chọn một loại giống mới áp dụng đại trà, địa phương đã phải cân nhắc kỹ đến khả năng chịu hạn của cây trồng cũng như giải pháp ứng phó nếu hạn hán xảy ra.

Đối với các loại đất ở huyện Kon Rẫy và điều kiện thời tiết khí hậu hạn hán xảy ra như năm vừa qua, có thể khẳng định rằng, trồng 2 loại giống mì này sẽ có khả năng chịu hạn tốt. Ngoài ra, giống mì này có thể trồng trong vụ đông xuân, ở những chân ruộng thường xuyên bị thiếu nước cây vẫn có thể phát triển được.

Giống mì mới KM40 ở xã Đăk Ruồng cho năng suất cao. Ảnh: H.N

 

Là một trong những hộ vừa được hỗ trợ giống mì mới KM140 ở thôn 13, xã Đăk Ruồng, bà Dương Thị Bản cho biết: Hiện nay, trong thôn tôi có 23 hộ nghèo được cấp giống mì mới. Người dân trồng mì xong rất phấn khởi, hồ hởi vì giống mì này trồng khá dễ, 10 cây lên cả 10, phát triển rất nhanh nên phấn khởi lắm. Tôi tin với đà này, sang năm người dân nhân giống trồng nhiều thì sẽ giảm được nghèo rất nhiều. Bởi vì, giống mì mới này chỉ 8 tháng đã cho thu hoạch, còn giống mì cũ thì đến cả năm mới thu hoạch mà lượng củ cũng không bằng.

“Việc hỗ trợ giống mì cho các hộ nghèo sẽ tác động trực tiếp, giúp các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo cao. Đây cũng là cơ sở để các hộ tiếp tục nhân giống và đưa năng suất lên cao, tăng thu nhập bình quân đầu người của xã, tác động trực tiếp đến tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã” - ông Đinh Ngọc Hải cho biết.

Hà Nguyên

Chuyên mục khác