Đăk Năng quyết tâm về đích nông thôn mới

20/12/2016 09:04

Năm 2017, xã Đăk Năng được chọn là xã tiếp theo sẽ về đích trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Kon Tum. Dẫu còn vài tiêu chí được đánh giá là rất khó thực hiện nhưng Đăk Năng cũng đang nỗ lực hết sức mình…

Mong chờ xã sớm đạt nông thôn mới

Đăk Năng thành lập được 8 năm (tách từ xã Ia Chim), với 78% dân số là đồng bào DTTS. Từ nhiều năm nay, xã Đăk Năng là địa phương phát triển mạnh về cây cao su (1.020ha) và cà phê (hơn 193ha). Kinh tế khấm khá, đời sống bà con nơi đây được nâng lên nên địa phương cũng có nhiều thuận lợi hơn trong triển khai xây dựng nông thôn mới-Chủ tịch xã A Đam chia sẻ.

Chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Đăk Năng đã đạt 15/19 tiêu chí. Hầu hết các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đăk Năng đã đạt đều được đánh giá bền vững. Điều phấn khởi nhất là đến năm 2015, Đăk Năng đã đạt tiêu chí về hộ nghèo theo quy định của bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới dưới 7%; hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,2%.

Để tăng thu nhập, mỗi gia đình ở thôn Ia Kim đều chăn nuôi từ 1-2 con bò. Ảnh: TQ

 

Theo Chủ tịch xã A Đam, vì là xã vùng I nên thời gian qua việc ưu tiên đầu tư nguồn lực của Nhà nước chưa nhiều mà chủ yếu địa phương phát huy nội lực là chính. Từ một phần hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp nhựa hóa, cứng hóa được 3 km đường trục thôn, xóm; cứng hóa 7 km đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa; tu sửa 3 km đường trục chính nội đồng…

Điển hình như thôn Ia Kim, hưởng ứng phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn  theo hình thức "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" do địa phương phát động, chỉ trong vòng vài tháng, mỗi hộ dân nơi đây đã tự nguyện đóng góp số tiền cả trăm triệu đồng để làm đường bê tông, xây dựng hội trường thôn với mục tiêu phấn đấu đưa xã đạt nông thôn mới.

Chuyển đổi trồng cà phê của người dân thôn Ia Kim. Ảnh: T.Q

 

Ông Phạm Văn Thành –Thôn trưởng Ia Kim tự hào: Người dân trong thôn chủ yếu là hộ gia đình từ các tỉnh miền Bắc vào đây lập nghiệp, ai nấy đều chí thú làm ăn và có khát khao xây dựng quê hương thứ 2 ngày một khởi sắc. Cả thôn đã phát triển được 82ha cao su, 32ha cà phê; mỗi gia đình đều chăn nuôi heo, bò.

Cuối năm 2014, khi địa phương triển khai làm 400m đường bê tông nông thôn (Nhà nước hỗ trợ vật liệu), mỗi gia đình đã tích cực đóng góp 1,2 triệu đồng để thuê máy móc làm đường. Đầu năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, bà con tiếp tục đóng góp thêm 42 triệu đồng (mỗi hộ gần 1 triệu đồng) để xây dựng hội trường thôn – ông Thành cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Tiềm ở thôn Ia Kim nhớ lại, cách đây 22 năm, gia đình anh và các hộ dân trong thôn từ Nga Sơn, Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Từ vùng đất hoang vu, đi lại khó khăn ngày nào, bây giờ đã bao trùm màu xanh của các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đường sá đi lại cũng thuận tiện.

Cuộc sống ngày một phát triển nên bà con nơi đây ai cũng mong muốn góp sức xây dựng làng quê càng khởi sắc. Vì vậy khi được kêu gọi đóng góp các khoản để đầu tư xây dựng các công trình ở thôn bản thân anh và bà con dân làng đều tích cực đóng góp…

Nỗ lực “về đích”

Từ nay đến cuối năm 2017, Đăk Năng sẽ phấn đấu đạt 4 tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm: thu nhập, trường học, giao thông, y tế.

Khó khăn của Đăk Năng là hiện nay thu nhập của bà con tại 2 làng đồng bào DTTS (với dân số chiếm 78%) còn thấp nên kéo theo thu nhập bình quân đầu người cả xã cũng mới chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm (quy định 27 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 47%; tỉ lệ kilômét đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn mới chỉ đạt 26,26% (theo quy định đạt 70%).

Bên cạnh đó, tỉ lệ kilômét đường xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt ở mức 84,5% (theo quy định đạt 100%); tỉ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa xe cơ giới đi được đạt 18,6% (theo quy định đạt 70%); 3 trường học trên địa bàn ở các cấp học đều chưa đạt chuẩn theo quy định, trong đó ngoài trường mầm non đang xây dựng thì trường tiểu học trên địa bàn do được xây dựng từ khá lâu nên đã xuống cấp, trường trung học cơ sở tuy mới được xây dựng nhưng vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị dạy học.

Chủ tịch UBND xã Đăk Năng A Đam cho biết, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng đã có giải pháp để cuối năm 2017 đạt 4 tiêu chí còn lại. Trong đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Năng đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng bị hạn sang trồng mì và các loại cây hoa màu.

Theo kế hoạch, Đăk Năng sẽ chuyển đổi 85ha cây trồng bị hạn, đồng thời vận động bà con chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê, bời lời; phát triển mô hình trồng chanh dây…

Để nâng cao tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm y tế; trong đó, từng cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động người thân của mình tham gia trước để bà con nhân dân làm theo.

Đối với các tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư nhiều như trường học, giao thông thì bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, địa phương cũng đã có kế hoạch vận động xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân để cùng chung tay đưa Đăk Năng về đích đúng lộ trình.

Hy vọng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, sự đồng lòng vào cuộc của người dân, xã Đăk Năng sẽ hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2017, theo đúng lộ trình đã đề ra.

Tú Quyên 

Chuyên mục khác