19/09/2020 06:11
Ethylen là một hoocmôn thực vật có trong cây cao su, kích thích quá trình tạo mủ và làm cho mủ chậm đông. Tận dụng được đặc tính này, người ta nghĩ ra cách bơm khí ethylen vào thân cây để mủ hóa lỏng nhằm tăng tốc độ chảy mủ, rút ngắn thời gian thu hoạch. Khi thực hiện phương pháp này, người dân sẽ lắp bộ áp khí (gồm nắp chóp, túi khí, ống khí) vào thân cây, sau đó bơm khí vào túi. Khí ethylen từ túi khí sẽ thẩm thấu vào cây. Một tháng thường bơm khí 2 lần. Khoảng 2 ngày từ lúc bơm khí, sẽ bắt đầu khoan lấy mủ, dùng ống nhựa được thiết kế sẵn gắn vào lỗ được khoan để mủ chảy ra. Cách làm này giúp người trồng cao su vừa giảm được nhân công thuê cạo mủ cao su, vừa ít gây tổn thương cho cây, lại cho lượng mủ khai thác nhiều hơn so với cách khai thác truyền thống, góp phần nâng cao năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong suốt chu kỳ khai thác mủ.
|
Chúng tôi đến thăm vườn cao su gần 2ha của anh Mai Hoa Kiều ở thôn Ngọc Tặng (xã Đăk Kan). Tại đây, anh Kiều đã triển khai phương pháp khai thác mới hơn 1 năm nay trên 1ha cao su. Nhận thấy hiệu quả, anh Kiều đang dự tính sẽ triển khai toàn bộ trên diện tích cao su còn lại của gia đình.
Anh Kiều kể, trước đây, vợ chồng anh phải dậy từ 3h sáng để đi khai thác mủ cao su, vào lúc cao điểm trong vụ khai thác, gia đình anh còn phải thuê thêm 2 nhân công. Từ ngày áp dụng phương pháp áp khí ethylen, vợ chồng anh không phải dậy sớm nữa, chỉ đi khai thác vào ban ngày và sáng hôm sau chỉ việc đi trút mủ là xong. Và gia đình anh cũng không cần phải thuê thêm nhân công làm nữa.
“Ưu điểm của phương pháp này là tăng năng suất và tuổi thọ của cây vì hạn chế được tổn thương so với phương pháp truyền thống (1 vết cạo theo cách truyền thống có chiều dài nửa vòng thân cây nên gây tổn thương gấp nhiều lần so với một mũi khoan). Nếu như với cách làm truyền thống nhịp độ cạo có thể là d2 (2 ngày cạo một lần) thì với cách làm áp khí có thể dùng d3 hoặc d4 (3-4 ngày/1 lần cạo) vì thế đỡ tốn công hơn rất nhiều. Phương pháp áp khí ethylen lại cho mủ cao su nhiều hơn so với cạo truyền thống, trung bình nhiều hơn từ 40-50 kg mủ/ha, thu nhập cũng tăng khoảng 3-4 triệu đồng/1ha ” - anh Kiều chia sẻ.
|
Với anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Ngọc Tặng, xã Đăk Kan), từ lúc áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng áp khí ethylen, anh Vinh đã chủ động được thời gian làm việc, thu nhập tăng lên nhờ tiết kiệm được ngày công và từ năng suất vườn cây tăng.
Anh Vinh cho biết, đầu năm 2019, sau khi được cán bộ Hội Nông dân xã giới thiệu kỹ thuật mới, anh bàn với vợ và quyết định đầu tư mua sắm vật tư, kinh phí hết 16 triệu đồng/2ha cao su của mình. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, anh Vinh áp dụng thành thạo phương pháp khai thác mới, từ khâu lựa chọn vị trí đặt nắp túi khí cho đến kỹ thuật khoan, tất cả anh đều làm thuần thục. Sau hơn một năm thử nghiệm, anh nhận thấy lượng mủ của vườn cao su ổn định hơn, cây tránh được những tổn thương và tăng khả năng kháng bệnh, bản thân lại không phải làm việc vào ban đêm hay những ngày mưa gió nên anh Vinh rất hài lòng với cách khai thác mủ cao su theo phương pháp mới. Từ đó, anh Vinh tích cực tuyên truyền để mọi người cùng áp dụng vào vườn cây cao su của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hiển cho biết, phương pháp dùng khí ethylene để khai thác mủ cao su an toàn, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người nông dân trước những biến đổi của giá cả thị trường hiện nay. Bí quyết thành công của phương pháp này là sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu, từ lúc lắp đặt thiết bị cho đến lúc khai thác. Trong đó, công đoạn quan trọng nhất là đóng nắp chóp và bơm khí ga, nếu làm không kỹ thì khí ethylen sẽ không hấp thụ được vào cây và mủ sẽ không chảy ra được, hoặc nếu bơm quá liều lượng khí ethylen vào cây và khai thác mủ quá nhiều trong thời gian ngắn cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm cho cây suy kiệt, giảm sản lượng và chất lượng về sau.
Hoàng Thanh