Đăk Hà: Tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn

21/09/2016 18:13

Để có sản phẩm rau an toàn, người nông dân phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Thế nhưng, đầu ra cho sản phẩm này của người trồng rau tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi do sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu và không cạnh tranh nổi về giá...

Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Hà được thành lập từ năm 2008 có 9 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 4,5ha. Mục đích của Tổ hợp tác là hỗ trợ lẫn nhau trong quy trình sản xuất để mang đến tay người tiêu dùng những sản phẩm rau an toàn và chất lượng.

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sản xuất rau an toàn, sau 1 năm thành lập, sản phẩm của Tổ hợp tác đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, đã gần chục năm đi vào hoạt động, sản phẩm của Tổ hợp tác vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Lê Thế Cương - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Sản phẩm của Tổ hợp tác đã được công nhận sản xuất rau sạch. Tổ đã nhiều lần đề xuất xin một gian hàng nhỏ giới thiệu sản phẩm ở chợ để quảng bá thương hiệu nhưng không được...

Mỗi ngày, các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đều phải ghi lại tỉ mỉ nhật ký đồng ruộng để theo dõi rau đảm bảo đúng quy trình. Nhật trình đó đảm bảo dưới sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý Tổ hợp tác. Thế nhưng, người tiêu dùng lại không thể tự nhận biết được đâu là rau an toàn; trong khi đó, rau an toàn không phun thuốc, nên mẫu mã không bắt mắt, khi đưa ra thị trường thậm chí còn được xem là loại rau hạng 2, hạng 3, giá bán không bằng các loại rau khác.

Theo ông Đoàn Quốc Bảo - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Hà, mặc dù rau của các thành viên đảm bảo thời gian cách ly và đảm bảo chất lượng của rau an toàn, nhưng ra thị trường thì giá cả lại không bằng rau của những hộ làm tự do.

Sản phẩm rau an toàn luôn có sự giám sát về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường. Ảnh: THU HƯƠNG

 

“Sản xuất rau tự do, người nông dân dùng thuốc gì cũng được, không ai quản lý, nhưng rau an toàn phải phun loại thuốc gì, thời gian cách ly bao nhiêu đều phải báo cáo để kiểm soát. Bên cạnh đó, trước khi đưa ra thị trường phải được sự thống nhất của Ban chủ nhiệm, vậy mà so ra rau của Tổ hợp tác khi đưa ra thị trường rất thua thiệt...” - ông Chủ nhiệm chua chát nói.

Công sức đầu tư vất vả mà lợi nhuận không có, những hộ trồng rau an toàn chỉ có một niềm tin và động lực duy nhất để tiếp tục gắn bó và duy trì hoạt động của Tổ hợp tác đó chính là cái tâm vì sức khỏe, vì lợi ích của người tiêu dùng và của chính bản thân mình. Họ vẫn đang hy vọng sản phẩm mình làm ra được khẳng định thương hiệu, được đánh giá đúng với công sức đã bỏ ra.

Ông Phạm Văn Long - thành viên Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Hà chia sẻ: Bà con cũng rất mong mỏi về đầu ra để đảm bảo cho bà con có thể làm rau an toàn. Nếu có đầu ra tốt, bà con có thể làm thêm nhiều nhà lưới để đảm bảo sản xuất trong mùa mưa này, nhưng đầu ra không có sẽ thiệt rất nhiều.

Trước những thông tin về thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, rau nhiễm hóa chất ngày càng nhiều như hiện nay, thì nhu cầu sử dụng rau an toàn đang trở nên bức thiết trong mỗi bữa ăn.

Vậy làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, để người dân có điều kiện tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn, và để duy trì hoạt động của Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn, rất cần sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Thu Hương

Chuyên mục khác