Đăk Hà: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

11/09/2022 06:04

Những năm trở lại đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao được nông dân huyện Đăk Hà tích cực thực hiện. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Huyện Đăk Hà có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp, đây là một trong những lợi thế lớn của địa phương trong khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp.

Những năm qua, huyện Đăk Hà đã tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm gia tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, cùng với việc duy trì ổn định những diện tích cây trồng chủ lực như cà phê, cao su thì huyện Đăk Hà đẩy mạnh vận động, khuyến khích người dân phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng, mít Thái, cam, quýt, mắc ca...

Từ năm 2017- thời điểm mà cây cà phê vẫn là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn Đăk Hà, chị Nguyễn Thị Quyên (thôn 7, xã Ngọc Wang) đã mạnh dạn phá bỏ 1ha cây cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng cam, quýt, bơ và sầu riêng. Hiện tại, gia đình chị có trên 100 cây sầu riêng, 350 cây quýt, 80 cây cam, 100 cây mãng cầu đang cho thu quả. Bên cạnh đó, gia đình chị vẫn duy trì 1ha cây cà phê, 3ha cao su.

Vườn cây ăn trái trĩu quả của gia đình chị Nguyễn Thị Quyên. Ảnh: TH

 

Chị Quyên bộc bạch: Khi thấy cây cà phê cho năng suất, tôi chủ động chặt bỏ, nhưng không tái canh mà chuyển sang trồng cây ăn quả, vì tôi nhận thấy thị trường tiêu thụ thuận lợi, nhiều hộ đã trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để không bị áp lực về vốn đầu tư, tránh hẫng hụt nguồn thu và vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm để hạn chế rủi ro, việc chuyển sang cây trồng mới được thực hiện dần dần. Đến giờ, tôi đã khá tự tin để làm chủ kỹ thuật nên thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục giảm bớt diện tích trồng cao su để trồng cây ăn trái.

Nhờ việc đầu tư vào nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế đã giúp kinh tế gia đình chị Quyên phát triển bền vững, có thêm nhiều nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng nhất định.

Cũng như gia đình chị Quyên, trong khu vườn gần 2ha, ông Phạm Văn Thủy (thôn 7, xã Ngọc Wang) trồng 1.800 cà phê và 150 cây sầu riêng hạt lép.

Ông Phạm Văn Thủy chia sẻ: Tôi không phá bỏ toàn bộ vườn cà phê mà chỉ chặt những cây già cỗi hoặc đám nào năng suất thấp để chuyển sang trồng sầu riêng; phần cà phê còn lại, tôi vẫn tập trung chăm sóc. Tôi cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây nên năng suất cây trồng cao ổn định. Việc đa dạng cây trồng trên một đơn vị diện tích đất không chỉ tận dụng được quỹ đất mà còn hạn chế được rủi ro, bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nguồn thu hàng năm của gia đình tôi luôn giữ ở mức ổn định 250 - 300 triệu đồng.

Trên những chân ruộng trồng lúa thiếu nước, người dân cũng tích cực chuyển đổi sang trồng rau màu. Ảnh: T.H

 

Theo ông Hoàng Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang, trước đây, người dân ở xã Ngọc Wang thường chỉ trồng độc canh một loại cây trồng, hoặc trồng cây cao su hoặc trồng cây cà phê... Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Trên nhiều diện tích trồng cà phê, cao su lâu năm già cỗi, nông dân đã chủ động phá bỏ hoàn toàn hoặc một phần để trồng mới, xen cây ăn quả. Hiện toàn xã có gần 200ha cây ăn quả, chủ yếu là bơ, sầu riêng, cam, quýt... giúp nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... nhằm nâng cao giá trị nông sản, bảo vệ môi trường. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân trồng cây mắc ca. Đây là loại cây trồng rất được người dân tin tưởng và kỳ vọng để thay thế cây mì và những loại cây trồng kém hiệu quả khác, nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập trong tương lai.

Hiện, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Đăk Hà là 1.920 ha và diện tích cây mắc ca là khoảng 400ha. Huyện đang tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn quả; đồng thời triển khai đề án hỗ trợ nông dân trồng mới khoảng 320 ha cây mắc ca (từ nay đến năm 2025).

Ngoài các loại cây trồng lâu năm, trên những chân ruộng trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả, nông dân Đăk Hà cũng tích cực chuyển đổi sang trồng rau màu, xen canh một vụ lúa một vụ màu, cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3- 4 lần so với trồng lúa. Với ưu thế giao thông thuận tiện, thị trường tiêu thụ rộng nên nguồn rau huyện sản xuất ra dễ tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Người dân cũng mạnh dạn thử sức với cây mắc ca. Ảnh: TH

 

Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ câu cây trồng, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây trồng để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Huyện Đăk Hà cũng tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ. Hiện, trên địa bàn huyện đã có một số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, theo tiêu chuẩn chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đăk Hà, Công ty TNHH Thương mại- Sản xuất Nghĩa Phát...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đa dạng hoá các loại cây trồng của nông dân huyện Đăk Hà là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện Đăk Hà.   

Thiên Hương

Chuyên mục khác