Đăk Hà: Tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

09/02/2024 07:52

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Hà đã đề ra những giải pháp, nhằm tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp; định hướng cụ thể trong phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, qua đó giúp nhiều nông dân trên địa bàn mạnh dạn đột phá xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ những hạt lúa, cà phê được gieo trồng trên chính mảnh đất màu mỡ Đăk Hà.

Những ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi đi kiểm tra, nắm tình hình tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà và cảm nhận rõ sự nhộn nhịp, phấn khởi của bà con đang tất bật vào vụ lúa mới.

Xã Đăk La được nhiều người gọi vui là “cái nôi” tạo ra nhãn hiệu “Gạo thơm Đăk Hà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN công nhận với diện tích 1.800ha vào cuối năm 2022. Để có được nhãn hiệu ấy là cả một hành trình nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay xây dựng.

Là cơ sở sản xuất “Gạo thơm Đăk Hà”, anh Bùi Văn Thường – Giám đốc Hợp tác xã Vy Phú Hoàng cho biết: Để có những hạt gạo sạch, chất lượng mang thương hiệu “Gạo thơm Đăk Hà”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quy hoạch và duy trì mô hình “Cánh đồng mẫu” trồng lúa thơm, cùng với đó là sự chủ động của người dân thực hiện đảm bảo 2 cùng là cùng thời vụ và áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh, với những giống lúa có sản lượng cao và phát triển ổn định, chất lượng gạo mềm dẻo, thơm ngon như RVT và Nàng hương 8, LH12, năng suất thu hoạch đạt 90 tạ/ha.

Huyện Đăk Hà chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến. Ảnh: Văn Tùng

 

Cùng với việc xây dựng nhãn hiệu “Gạo thơm Đăk Hà”, huyện Đăk Hà đặc biệt quan tâm xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Với sự sự quyết tâm, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong việc xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” đã tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật.

Đơn cử, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade của Tổ chức Thương mại Công bằng quốc tế FLO. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã được xuất khẩu sang các nước như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Bỉ…

Ông Đặng Đình Lập – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô cho biết: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về việc khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp hình thành cánh đồng lớn để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện, đến nay, Hợp tác xã đã được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 200ha với hơn 100 thành viên tham gia. Sản lượng hằng năm đạt gần 800 tấn cà phê nhân.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô là 1 trong 6 đơn vị trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.939 ha và 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hoạt động hiệu quả, huyện Đăk Hà tập trung tạo điều kiện, tư vấn kịp thời, hỗ trợ phát triển, gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thành một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị hàng nông sản. Hiện, trên địa bàn huyện có 19 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, 37 trang trại nông nghiệp hoạt động theo tiêu chí mới; 15 tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch chất lượng cao vì sức khỏe cộng đồng theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, với 667 hộ tham gia...

Qua đó, huyện đã lựa chọn một số sản phẩm chủ lực của địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện có 21 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận. Trong đó có 14 sản phẩm đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao tham gia vào chuỗi giá trị cấp quốc gia (Cà phê rang xay DAKMARK của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng).

Có được thành quả trên, huyện Đăk Hà quan tâm quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 22ha tại xã Đăk La; quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trong đó có chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ trên địa bàn các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà với quy mô 750 ha theo tiêu chí cánh đồng lớn gồm: 8 cánh đồng cà phê, 2 cánh đồng cao su, 9 cánh đồng lúa, 1 cánh đồng trồng rau, hoa...

Cùng với các sản phẩm nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm phát triển sản phẩm thủy sản sạch; chỉ đạo phát huy diện tích mặt nước các hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện, diện tích các ao hồ nhỏ của người dân để nuôi trồng thủy sản; định hướng cho người dân thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng; phát huy vai trò doanh nghiệp trong hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn và tìm đầu ra cho sản phẩm thuỷ sản. Tiêu biểu có Công ty TNHH MTV cá giống Tá Tiến, hàng năm cung cấp cho người dân trên 100 tấn cá giống, hơn 2.000 tấn thức ăn và bán ra thị trường trên 3.000 tấn cá thành phẩm.

Trong thời gian tới, chúng tôi xác định nông nghiệp vẫn mặt trận hàng đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện gắn với phát triển thương mại, dịch vụ. Để các sản phẩm nông nghiệp huyện Đăk Hà có thể cất cánh bay xa, trước hết, Huyện ủy sẽ phải thay đổi tư duy, cách làm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức và từng người dân trên địa bàn; chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, định hướng, sắp xếp quy hoạch nông nghiệp hữu cơ trong quy hoạch vùng huyện, quy hoạch nông thôn các xã; tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác chuyển giao, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; sử dụng các giống chất lượng cao, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ, công nghệ tưới nước tiết kiệm trong trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả mối liên kết 6 nhà "Nhà nông - Nhà nước - doanh nghiệp - Ngân hàng - Khoa học – Nhà phân phối", nhằm xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ trong nông nghiệp từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Đăk Hà tiếp tục nỗ lực đưa thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế. Ảnh: Văn Tùng

 

Tiếp tục quan tâm phát triển các sản phẩm đặc trưng (OCOP) của huyện, nhất là sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia 5 sao; tổ chức xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển nhãn hiệu “Gạo thơm Đăk Hà” và thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế; gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch học đường, phát huy bản sắc văn hoá các DTTS trên địa bàn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế trong nông nghiệp; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân  trong và ngoài huyện đầu tư sản xuất, chế biến và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ; thực hiện có hiệu quả phong trào khởi nghiệp; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến tiêu dùng theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGap), tiêu chuẩn quốc tế như UTZ, 4C, RSA, EU, Fairtrade…

Tiến hành mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn huyện; áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt liên kết trực tiếp với người tiêu dùng; thay đổi phương thức quản trị nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Hà mong muốn, để hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn trên địa bàn huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung, huyện đề nghị UBND tỉnh cần sớm ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh cho lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam tổ chức bàn giao về địa phương diện tích đất trồng cây hằng năm; thu hồi một số diện tích đất cây cao su, cà phê hết thời kỳ kinh doanh, ở vị trí thuận lợi trên địa bàn huyện nhằm tạo quỹ đất sạch để thu thút đầu tư, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Mong rằng, với những kết quả đã đạt được và những giải pháp, định hướng cụ thể mà Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Hà đề ra trong phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần giúp huyện sớm cán đích huyện nông thôn mới, làm nền móng vững chắc đưa thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp Đăk Hà vươn tầm quốc tế trong tương lai.

Nguyễn Thị Liên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà

Chuyên mục khác