Đăk Hà: Tăng cường quản lý khâu thu hái, tiêu thụ cà phê

31/10/2023 13:06

Để việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín cao, tiếp tục xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý trong việc thu hái, tiêu thụ cà phê của người dân trên địa bàn.

Xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) có 2.172ha cà phê, trong đó có hơn 2.000ha đã cho thu hoạch. Những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn xã đã rục rịch thu hái cà phê. Để đảm bảo người dân thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín cao, cấp ủy, chính quyền xã Hà Mòn đã lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý trên địa bàn.

Bà Trần Thị Yến- Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn cho biết: Năm nay do thời tiết thất thường nên một số ít diện tích cà phê trên địa bàn chín sớm khiến thị trường mua bán cũng hoạt động sớm hơn mọi năm, nhiều thương lái ở các địa phương khác cũng đến đây thu mua. Để bà con không vội vàng hái xanh bán cho được giá, thời gian qua, xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc với các cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn, vận động ký cam kết không mua cà phê có tỷ lệ quả xanh cao; đồng thời phối hợp với ban quản lý các thôn vận động, tuyên truyền người dân đợi cà phê có tỷ lệ quả chín cao mới thu hoạch, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hộ hái cà phê xanh.

Những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Hà Mòn đã bắt đầu thu hái cà phê. Ảnh: VT

 

“Trên thực tế, bà con thu hái cà phê chủ yếu là thu hái tỉa, một số vườn người dân không chăm sóc nên thu hoạch sớm vì sợ mất trộm, do đó mới thu hái quả xanh. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác quản lý để hạn chế người dân thu hái cà phê xanh bán ra thị trường” - bà Yến cho hay.

Còn tại xã Đăk Mar, với gần 1.800ha cà phê, người dân trên địa bàn bắt đầu rục rịch thu hái. Bà Nguyễn Thị Thanh Hùa - Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho biết: Thời gian qua, xã đã làm việc với các cơ sở thu mua trên địa bàn và ký cam kết không mua cà phê có tỷ lệ quả xanh cao; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các thôn để kịp thời phát hiện các hộ thu hái quả xanh sẽ nhắc nhở, xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân chăm sóc cà phê đến khi quả chín đều và bán cho các cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn để được cộng thêm giá so với giá thị trường.

Là một cơ sở thu mua, chế biến cà phê số lượng lớn trên địa bàn huyện Đăk Hà, hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (HTX) (thôn 2, xã Đăk Mar) vẫn còn “án binh bất động”, chưa thu mua cà phê.

Ông Phạm Xuân Bé - Giám đốc HTX cho biết: Hiện tại cơ sở chưa thu mua bởi cà phê trên địa bàn còn xanh, chưa vào vụ. Cơ sở chỉ thu mua cà phê có tỷ lệ chín cao đồng thời sẽ mua cao hơn giá thị trường. Nếu cà phê có tỷ lệ quả chín đạt trên 90%, cơ sở sẽ mua cao hơn ngoài thị trường 2.000 đồng/kg để tạo động lực cho bà con thu hái chín. Trung bình mỗi năm cơ sở thu mua khoảng 4.000 tấn cà phê, nhưng vì năm nay giá cao tôi lo bà con sẽ hái xanh bán. Rất mong chính quyền các cấp sẽ tăng cường công tác quản lý, vận động, tuyên truyền bà con không bán xanh để xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”.

Để hạn chế tình trạng người dân hái cà phê xanh bán ra thị trường, vừa qua UBND huyện Đăk Hà đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra về thu hái, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê 2023 (Đoàn kiểm tra liên ngành).

Qua tìm hiểu, đa số hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Hà thu hái cà phê chín trên 90%. Ảnh: V.T

 

Ông Trương Văn Thành - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đăk Hà, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành huyện cho biết: Tổng diện tích cà phê của huyện là 12.260ha, trong đó có 11.055ha đã cho thu hoạch. Để việc thu hái, tiêu thụ cà phê được đảm bảo, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn thu hoạch cà phê thực hiện cam kết và thu hoạch phải đạt tỷ lệ quả chín 95% trở lên; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân thu hái, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê không đạt tỷ lệ quả chín theo quy định của UBND huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu mua và tiêu thụ sản phẩm cà phê theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian thu hoạch cà phê.

Cùng với đó, Đoàn kiểm tra liên ngành còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra các cơ sở xay xát, sơ chế cà phê, kịp thời chấn chỉnh và tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường; tham mưu xử lý thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc yêu cầu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tạm dừng kinh doanh khi phát hiện trường hợp kinh doanh thu mua cà phê không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm theo quy định.

Văn Tùng

Chuyên mục khác