25/12/2016 17:59
Theo UBND huyện Đăk Hà, qua việc xác định đúng mục tiêu và tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, huyện khơi dậy sức dân với nhiều cách làm sáng tạo trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn.
Để tìm hiểu rõ hơn những nỗ lực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi về xã Đăk Ui.
Trên đường về xã Đăk Ui, chúng tôi nhận thấy không chỉ có các trục đường chính liên xã từ Đăk Ui đi Ngọc Réo, Ngọc Wang được bê tông, mà nhiều tuyến đường nội thôn ra khu sản xuất ở đây cũng được bê tông.
Ở các thôn làng, nhà cửa người dân phần lớn được xây dựng kiên cố, khang trang, cây cối xanh tươi. Xa xa là ruộng đồng xanh mướt, rập rờn cánh cò bay trông như một bức tranh thủy mặc.
Theo ông Ngô Hồng Hưng - Chủ tịch UBND xã, ngoài việc phát huy sức dân và các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn tạo điều kiện cho các thôn, làng xây dựng các tổ hợp tác như: Tổ hợp tác chăn nuôi gia súc thôn 3, Tổ hợp tác sản xuất lúa nước thôn 1A, Tổ hợp tác sản xuất lúa nước và cà phê thôn 2, 5B và 7B.
|
“Để khuyến khích các tổ hợp tác phát triển, xã hỗ trợ vật liệu làm chuồng nhốt gia súc tập trung, hỗ trợ chế phẩm sinh học, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp ở địa phương có nhiều bước phát triển.” - ông Hưng cho biết.
Ở xã Đăk Ui có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: A Thọ, A Bổi (thôn 7B), Đoàn Văn Nhẩn, Nguyễn Văn Bồn, Lê Văn Bảy, Đoàn Văn Năm, Nguyễn Văn Dũng, Phan Văn Hận, Nguyễn Thị Là (thôn 8)… có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ cà phê, bời lời và chăn nuôi.
Tại xã Đăk Ngọk, tôi gặp các tổ hợp tác kiểu mới như Tổ hợp tác rau an toàn, Tổ hợp tác cà phê 4C (thực hiện theo Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê như sản xuất cà phê an toàn, không làm hại đến môi trường…) và Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản (với nhiều giống thủy sản mới được nuôi như cá thát lát cườm, cá ba sa…).
Các thành viên ở các tổ hợp tác rau an toàn, cà phê 4 C (thôn Đăk Bình), nuôi trồng thủy sản (thôn Đăk Lợi)… đều thành công và có thu nhập khá cao. Ông Nguyễn Văn Chiến- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ngọk khẳng định, các tổ hợp tác này đang tạo ra động lực cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Ở xã Ngọc Wang, nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số rất có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Mặc dù nguồn vốn chính quyền địa phương hỗ trợ không đáng kể, nhưng người dân các làng Kon Rế, Kon Stiu II, Kon Brông, Kon Gu II… tự bỏ công sức xây dựng được những ngôi nhà rông văn hóa khá bề thế bằng nguyên vật liệu gỗ, tranh tre của núi rừng.
Theo đánh giá của UBND huyện, với việc phát huy sức dân và huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỷ lệ đường giao thông trục xã, liên xã ở địa phương cơ bản đạt chuẩn, trên 80% đường ngõ xóm không lầy lội; gần 100% số hộ được sử dụng điện; tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố gần 80%...
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, huyện còn đẩy mạnh việc hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân ứng dụng các giống cao su, cà phê, lúa mới, bắp lai… có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất.
Đồng thời, huyện xây dựng mối liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.
|
Qua hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Đăk Hà có 3 xã là Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk La đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại tuy chưa đạt nông thôn mới, nhưng diện mạo nông thôn cũng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước.
Với việc phát huy sức dân và có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Hà đang tiếp tục tạo ra thế và lực cho người dân nông thôn phát triển mạnh hơn trong những năm đến, góp phần vào việc thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Văn Nhiên